Bệnh tấn công dân văn phòng

24/06/2013 03:25 GMT+7

Nhiều bệnh mãn tính làm suy giảm chất lượng sống, đe dọa dân văn phòng máy lạnh, đã được các chuyên gia cảnh báo tại hội thảo về bệnh văn phòng do Bệnh viện Medlatec tổ chức tại Hà Nội ngày 21.6.

Nguy cơ

Theo PGS-TS Hoàng Công Đắc, chuyên gia trong lĩnh vực ngoại khoa, việc ngồi nhiều không chỉ gây mỏi mà còn dẫn đến nhiều nguy cơ bệnh tật do lối sống tĩnh tại, làm giảm tuổi thọ. Theo các nghiên cứu tại Úc từ năm 2006 - 2012 với 200.000 người trên 45 tuổi cho thấy: những người ngồi trên 11 giờ/ngày có nguy cơ tử vong cao hơn gần gấp đôi so với người ngồi dưới 4 giờ/ngày. “Tỷ lệ mắc bệnh tim ở những người làm việc tư thế ngồi cao gấp hai lần người làm việc ở tư thế đứng. Điều đó giải thích hiện tượng: các cán bộ lãnh đạo ngồi trong phòng máy lạnh điều hành gián tiếp chưa hẳn đã sống lâu hơn những công nhân lắp ráp trong cùng một nhà máy”.

Bệnh tấn công dân văn phòng
Ảnh: Shutterstock 

“Lối làm việc ngồi đang “giết chết” loài người”, PGS-TS Hoàng Công Đắc nhấn mạnh. Khi ngồi, các bộ phận của cơ thể trở về trạng thái tĩnh. Cứ mỗi phút tĩnh lại giảm tiêu thụ năng lượng 1 Kcalo; lượng enzym chống béo phì giảm 90%. Nếu ngồi trên 2 giờ thì lượng cholesterol có lợi cũng giảm sút 20%. Tất cả các yếu tố này làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim mạch.

Nếu ngồi liên tục nhiều giờ, hoạt tính của insulin - nội tiết tố giúp chuyển hóa đường trong cơ thể - sẽ suy giảm mạnh. Tình trạng này kéo dài kéo theo rối loạn đường huyết, nguy cơ mắc đái tháo đường.

Vận động là giải pháp tốt nhất

Để hạn chế “chết sớm” vì phải ngồi nhiều, cần cân bằng vận động: ngồi, đứng đi bộ và các hoạt động khác. 3 hoạt động được cho là tốt nhất với người ngồi nhiều: gập thân, đi bộ và nhảy tại chỗ. Tranh thủ đi bộ hằng ngày để bù vào thời gian “chết” do ngồi làm việc, vì đi bộ đốt cháy calo gấp 3 lần lúc ngồi, giảm thiểu nguy cơ béo phì, tốt cho tim mạch.

Nên tập thể dục hợp lý sau mỗi giờ làm việc bằng cách đứng dậy, vươn vai... Nên thư giãn trên ghế bằng thay đổi tư thế ngồi: ngả trên ghế 135 độ và nhắm mắt, thả lỏng người là giải pháp tình thế có thể tận dụng. “Bỏ ngay thói quen dùng ghế có bánh xe để di chuyển trong phòng làm việc, vì đứng dậy đi lại là đã cho thêm một khoảng thời gian sống”, PGS-TS Hoàng Công Đắc khuyên.

Các chuyên gia cũng lưu ý, đau nửa đầu, đau sau gáy là chứng bệnh hay gặp ở nhân viên văn phòng. Nguyên nhân do tình trạng ít vận động có thể gây thiểu năng tuần hoàn vùng não phía sau.

Hệ lụy của việc ngồi nhiều là béo phì, mỡ máu cao, huyết áp cao, kéo theo tai biến suy tim, tắc mạch vành tim, tai biến mạch não. Tình trạng ứ trệ tuần hoàn cũng thường gặp với các trường hợp có quá trình làm việc nhiều năm tĩnh tại, ít vận động gây giãn tĩnh mạch chi dưới làm chân phù nề, đau nhức, giảm chất lượng sống.

GS-TS Trần Văn Sáng, ĐH Y Hà Nội, lưu ý văn phòng còn là ổ lây truyền các bệnh qua đường hô hấp vì đó là không gian kín, kém lưu thông không khí. Chỉ cần có người mắc cúm, quai bị phát tán ra mầm bệnh sẽ dễ dàng lây lan cho người khác. Một số bệnh nguy hiểm lây qua đường hô hấp: cúm, quai bị, sởi, lao... Việc phòng bệnh lây qua đường hô hấp khó khăn bởi hít thở là nhu cầu thiết yếu, có thể lây lan ngay từ giai đoạn ủ bệnh, khi người mang mầm bệnh chưa có biểu hiện bệnh.

Liên Châu

>> Bệnh văn phòng
>> Hội chứng bệnh văn phòng
>> Khô mắt - bệnh văn phòng
>> Bệnh “văn phòng”
>> “Xốc” lại tinh thần cho dân văn phòng
>> Dân văn phòng nên ăn ô mai!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.