Ngày 28.5, bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cảnh báo bệnh tay chân miệng đang vào cao điểm của đợt thứ 1 trong năm và đã có nhiều ca biến chứng nặng.
Cụ thể, hiện Bệnh viện Nhi đồng 1 đang tiếp nhận 14 trẻ, nhưng có đến 1/3 trong số đó là nặng, có 2 ca độ 3 và 1 ca độ 2b.
"Hiện nay, các đơn vị tuyến dưới đã được huấn luyện điều trị bệnh tay chân miệng nên đa số trẻ được điều trị ngoại trú, điều trị ở các tỉnh, nên trẻ nhập viện nội trú sẽ ít hơn. Tuy nhiên, số ca nhập viện nặng lại nhiều", bác sĩ Dư Tuấn Quy nói.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy giải thích, hiện nay sự quan tâm đến bệnh tay chân miệng như việc rửa tay, vệ sinh phòng bệnh có giảm.
Bệnh tay chân miệng vào mùa, có nhiều ca biến chứng nặng
Bên cạnh đó, bệnh nhi mắc tay chân miệng là tỉnh táo, dù có trở nặng thì bệnh nhi cũng tỉnh táo nên gia đình chủ quan không theo dõi sát, đến khi phát hiện nhập viện thì trẻ đã trở nặng. Một khi đã qua giai đoạn vàng để xử trí thì bệnh chuyển biến rất nhanh.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy cho biết: Dấu hiệu rõ ràng của bệnh tay chân miệng có thể nhận biết được là nổi ban, nhưng nổi ban và sốt thì nên đưa trẻ đi khám chứ không nên chủ quan nếu thấy trẻ còn tỉnh.
"Hai dấu hiệu điển hình của trẻ biểu hiện bệnh tay chân miệng nặng là trẻ đang tỉnh nhưng sốt không đáp ứng hạ sốt; trẻ ngủ nhưng giật mình chới với, hốt hoảng. Bên cạnh đó, nếu thấy trẻ buồn nôn, nôn ói là dấu hiệu bất thường báo hiệu chuyển độ nặng. Hoặc thấy trẻ yếu tay, chân là vào biến chứng, cần đến bệnh viện ngay. Nếu trễ thì vi rút sẽ xâm nhập vào não gây viêm não là rất khó điều trị, gây biến chứng", bác sĩ Dư Tuấn Quy nói.
Với 1 ca biến chứng độ 2-3 thì ê kíp điều trị phải tốn khoảng 1 tuần để đưa bệnh nhi ra khỏi độ nặng và cần phải chăm sóc rất kỹ. Trong vòng 2 ngày đầu trẻ chuyển nặng thì phải theo dõi mỗi 1 giờ, sau đó giãn ra theo dõi mỗi 3 giờ, 6 giờ… Nếu xử trí đúng thì trẻ không bị di chứng. Nhưng nếu xử trí không tốt thì sẽ diễn tiến biến chứng viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp gây suy đa cơ quan và tử vong.
Cũng theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, bệnh tay chân miệng hiện nay có quanh năm, nhưng có 2 đợt vào đỉnh là từ tháng 4-6 và tháng 9-12 hằng năm. Trong mùa này, nếu thấy trẻ sốt và chảy nước miếng thường phụ huynh nghĩ trẻ mọc răng, nhưng coi chừng trẻ loét họng do tay chân miệng. Bác sĩ cũng khuyến cáo vấn đề rửa tay, vệ sinh phòng bệnh tay chân miệng ở mỗi gia đình, trường học, khu vui chơi… để phòng lây nhiễm căn bệnh này.
Xem nhanh 12h ngày 29.5: Nghi vấn clip ‘mặc cả lại quả’ | Công an, bảo vệ dân phố bị chém giữa chợ
Bình luận (0)