TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết bệnh than là một bệnh nhiễm cấp tính nguy hiểm lây từ động vật sang người, do trực khuẩn (Bacillus anthracis) gây ra.
Tại Việt Nam, bệnh được xếp vào nhóm B trong luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Trên thế giới, bệnh than là một trong những bệnh được xếp vào nhóm bệnh "đặc biệt nguy hiểm". Vi khuẩn than dễ được nghiên cứu sử dụng trong chiến tranh sinh học.
Nguồn gốc vi khuẩn than và các thể bệnh
TS-BS Châu cho biết, nguồn mang vi khuẩn là các động vật, thường là động vật ăn cỏ bao gồm cả động vật hoang dã cũng như gia súc như, cừu, dê, ngựa, lợn và các súc vật khác.
Bệnh lây truyền qua da do tiếp xúc với các mô của động vật chết vì mắc bệnh than. Cũng có thể nhiễm qua lông, da, xương hoặc các sản phẩm làm từ những nguyên liệu trên như trống, bàn chải… Nhiễm bệnh từ đất bị nhiễm khuẩn do các động vật mắc bệnh hoặc do sử dụng phân bón chế biến từ xương động vật bị nhiễm khuẩn.
Do đó thường ghi nhận bệnh ở những người có liên quan đến chăn nuôi và mổ xẻ thịt động vật ăn cỏ, các công nhân chế biến da, lông thú; nhân viên thú y…
Bệnh lưu hành ở các nước Nam Mỹ, Trung Mỹ, Nam và Đông Âu, châu Á và châu Phi. Người tiếp xúc sẽ phát bệnh trong vòng vài giờ đến 7 ngày, hầu hết các trường hợp xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi tiếp xúc với động vật bị bệnh. Việc lây truyền từ người sang người hiếm gặp.
Bệnh này có biểu hiện cấp tính, có 4 thể như sau:
Triệu chứng đầu tiên của bệnh than thể da là ngứa, nổi sần, mụn nước và từ 2 - 4 ngày sau phát triển thành nốt loét màu đen. Đầu, cánh tay và bàn tay là nơi thường bị tổn thương nhất. Nốt loét có thể bị nhầm lẫn với viêm da. Nơi nhiễm trùng nếu không được điều trị sẽ lan tới các hạch bạch huyết vùng rồi vào máu gây nhiễm trùng huyết và tổn thương não. Tỷ lệ tử vong bệnh than thể da không được điều trị từ 5 - 20%.
Bệnh than thể phổi xảy ra là do hít phải bào tử vi khuẩn trong công nghiệp chế biến da, len, xương hoặc từ đất. Triệu chứng đầu tiên ở thể phổi là cấp tính nhẹ và không đặc trưng của suy hô hấp giống như bị nhiễm đường hô hấp trên thông thường.
Thể hô hấp diễn biến rất nhanh và nặng thường dẫn tới suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn nhiễm độc, viêm màng não và sau đó là tử vong. Thể này cần được phát hiện điều trị tích cực từ đầu.
Bệnh than thể ruột hiếm gặp và khó phát hiện trừ khi bệnh có xu hướng xảy ra thành dịch lớn ở dạng ngộ độc thức ăn. Triệu chứng là đau bụng dữ dội kèm theo sốt, nhiễm khuẩn huyết và kết thúc bằng tử vong trong những trường hợp điển hình.
Theo TS-BS Vĩnh Châu, biểu hiện lâm sàng ở người mắc bệnh than là hội chứng nhiễm khuẩn - nhiễm độc toàn thân nặng, tổn thương thường gặp là ở thể da. Thể hô hấp và tiêu hóa ít gặp nhưng rất nặng với tỷ lệ tử vong cao.
Đây là một bệnh nguy hiểm cần được điều trị kháng sinh phù hợp.
Phòng bệnh
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cần tuyên truyền công nhân giữ gìn vệ sinh cá nhân khi tiếp xúc với các đồ vật bị nhiễm khuẩn có khả năng bị lây truyền bệnh than và cách chăm sóc chỗ da bị xây xát.
Vệ sinh phòng bệnh, phòng chống bụi và đảm bảo thông gió tốt ở những ngành công nghiệp có nguy cơ lây bệnh than, đặc biệt ở những nơi chế biến nguyên vật liệu động vật thô. Duy trì kiểm tra sức khỏe thường kỳ cho công nhân, chăm sóc y tế kịp thời với chỗ da bị tổn thương nghi nhiễm khuẩn. Sử dụng quần áo bảo hộ lao động, nhà tắm thích hợp để tắm giặt và thay quần áo sau khi làm việc. Tiệt khuẩn giai đoạn cuối cùng ở những nhà máy bị nhiễm vi khuẩn. Rửa, tiệt khuẩn cẩn thận các loại lông, da, các sản phẩm của xương và các thức ăn khác có nguồn gốc động vật thật cẩn thận trước khi chế biến.
Không mua bán da của những súc vật nhiễm bệnh than và không được dùng xác những súc vật này làm thức ăn…
Theo Cục Y tế dự phòng, những người có nguy cơ mắc bệnh than cần được tiêm phòng miễn dịch ngay. Thường xuyên tiêm nhắc lại hằng năm cho tất cả súc vật có nguy cơ mắc bệnh…
|
Bình luận (0)