Nhưng mà là thật. Chuyện nợ thưởng này đã kéo dài 3 năm nay chứ chẳng phải chuyện lần đầu.
Tức chẳng phải là một sự cố tính toán nhất thời, mà là một “bệnh trạng” thật sự của hệ thống quản lý.
Vậy thì bệnh gì?
Bệnh gì mà các vị quản lý lấy các danh hiệu thi đua ra ban phát dễ dãi để rồi dẫn đến “lạm phát” thưởng và vượt khung ngân sách, không có tiền trả thưởng?
Là bệnh thành tích.
Bệnh gì mà các vị quản lý cho phép mình vượt qua các quy định về điều hành ngân sách để quyết định khen thưởng nhiều đến mức thâm hụt ngân sách?
Là bệnh “lấy của làng làm ơn cho xã”. Ngân sách được xem như bầu sữa chùa, có cớ vắt được thì vắt thôi. Còn cớ gì hợp lẽ hơn chuyện khen thưởng cho các thành tích trong phong trào như xây dựng nông thôn mới? Những thành tích được khen thưởng xôm tụ nhưng về thực chất lại chỉ ở tầm mức của những công việc lẽ ra phải được thực hiện trong phạm vi trách nhiệm của mỗi người. Nhưng cứ khen cho đẹp lòng nhau, vì khen thì mình có mất gì đâu, bởi tiền khen thưởng thì đã có ngân sách chi trả. Những chuyện tưởng bé mọn mỗi ngày như thế đã góp phần dẫn đến tình cảnh bội chi ngân sách nhà nước lên đến 82.000 tỉ đồng, chỉ tiêu nợ Chính phủ vượt giới hạn cho phép (50%).
Bệnh gì mà bày ra các danh hiệu thi đua đầy danh giá nhưng thưởng thì còi cọc trăm nghìn gọi là cho có thưởng?
Là bệnh hình thức. Người được thưởng nhiều khi không khỏi chạnh lòng. Có khi còn ghi kèm cả số tiền thành một điều hẳn hoi trong quyết định khen thưởng, rồi cứ thế mà đọc ra khi công bố nghe đến phản cảm.
Mà bệnh có ở mức trầm kha không, hay chỉ như cảm mạo thương hàn?
Nếu cứ thử thống kê tổng số danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, điển hình tiên tiến... mà mỗi năm các cơ quan đơn vị đã xét trao rồi đặt con số ấy bên cạnh các thống kê so sánh về năng suất và chất lượng lao động của VN so với các nước bạn, thì sẽ biết bệnh thành tích đã tới mức trầm kha chưa. Đừng quên, VN là một trong ba nước có mức năng suất lao động thấp nhất ASEAN.
Giờ có thêm chuyện nợ tiền thưởng hàng trăm danh hiệu thi đua thì đủ biết bệnh hình thức, bệnh “lấy của làng làm ơn cho xã” đã trầm kha tới mức nào rồi.
Có bệnh thì phải lo mà chữa. Bệnh sẽ là hết phương cứu chữa, nếu những dấu hiệu cảnh báo mức di căn trầm trọng như chuyện nợ thưởng ở Phong Điền không được suy nghĩ và mổ xẻ nghiêm túc để có thuốc đắng cho tiệt căn.
Bình luận (0)