Sợ những người thay đổi chỉ để mà thay đổi

21/03/2016 06:00 GMT+7

Tư duy nhiệm kỳ, theo Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Vũ Ngọc Hoàng ( ảnh ), lâu nay vẫn được hiểu theo nghĩa tiêu cực.

Tư duy nhiệm kỳ, theo Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Vũ Ngọc Hoàng (ảnh), lâu nay vẫn được hiểu theo nghĩa tiêu cực.

Ảnh: Bình MinhẢnh: Bình Minh
Tư duy nhiệm kỳ, theo Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Vũ Ngọc Hoàng (ảnh), lâu nay vẫn được hiểu theo nghĩa tiêu cực. Nhưng trên thực tế, nó bao hàm cả những mặt tích cực, khi ai đó coi nhiệm kỳ của mình là cơ hội để thể hiện năng lực, để đóng góp xây dựng cho ngành mình, cho quê hương đất nước. “Như thế thì tốt chứ, có phải xấu đâu” - ông Hoàng nói.
* Thế theo ông, mặt xấu của tư duy nhiệm kỳ đang được hiểu như thế nào?
- Mặt xấu của tư duy nhiệm kỳ có thể khái quát thành hai loại. Thứ nhất là những biểu hiện cơ hội chủ nghĩa. Thứ hai là tầm nhìn ngắn, thấy cái trước mắt và không thấy cái lâu dài. Mặt xấu có tính chất cơ hội mà người ta muốn nói, theo tôi, là khi người cán bộ đó thấy nhiệm kỳ của mình là cơ hội để tranh thủ làm những gì có lợi cho cá nhân, cho gia đình, cho con cái, mà cái lợi đó không phù hợp với lợi ích chung, có hại cho lợi ích chung, như chuyện đưa con cháu bất tài lên, kiếm lợi về kinh tế, đưa người vô đức ăn cánh của mình, ê kíp của mình vào trong bộ máy, để sau này mình vẫn còn tiếp tục chi phối được bộ máy... Tư duy nhiệm kỳ theo nghĩa này rất đáng phê phán.
Có ông khi xuất hiện, đề ra chính sách khác, mới mà theo ông ấy như thế mới tốt. Vấn đề là chính sách đó đúng hay chỉ vì do ông ấy muốn làm khác đi nhằm gây ấn tượng để “ghi điểm”, để “đánh bóng”? Có những người lên nhận nhiệm vụ thì họ thay đổi theo hướng mới, hướng tốt, hướng tích cực. Cái đó đáng hoan nghênh quá. Đáng sợ là những người chỉ thay đổi để mà thay đổi, để mà ra oai, chứng tỏ là ta nắm quyền lực, uy quyền đã thuộc về ta...

Biểu hiện của tư duy nhiệm kỳ còn là tranh thủ sử dụng sân sau của mình trong thi công các công trình, thực hiện các dự án, chương trình, tranh thủ bán chức cho những người mua quan để lấy tiền, tranh thủ làm giàu bất chính, lợi ích nhóm. Có người tham nhũng, tranh thủ của công, lấy bớt ngân sách…
* Như ông phân tích thì rõ ràng họ có lý do để nhìn theo hướng tiêu cực đấy chứ?
- Đúng, họ hay nhìn theo hướng tiêu cực vì trong thực tế tư duy nhiệm kỳ theo hướng đó nhiều hơn.
* Nguyên nhân nào khiến tư duy nhiệm kỳ diễn ra theo chiều hướng tiêu cực nhiều hơn, thưa ông?
- Đó cũng là một mặt của tha hóa quyền lực, một kiểu của tha hóa quyền lực. Có vấn đề về tư tưởng, về nhân cách, về cơ chế quản lý, về phương thức lãnh đạo, phương thức công tác và quản trị nữa.
Cơ chế quản lý làm cho người ta thấy có điều kiện để thực hiện việc đó, kể cả do cách làm công tác cán bộ. Công tác cán bộ hiện nay là sắp đặt, cơ cấu, lại có tình trạng chạy chức… cho nên khi trúng vào việc gì đó thì tranh thủ thực hiện theo kiểu tư duy nhiệm kỳ cho riêng mình, tìm cách thu hồi phần vốn đã bỏ ra (để chạy chức) và có lãi. Còn nếu như tuyển chọn cán bộ theo phương pháp tranh cử, chọn những người có tài, có đức để phục vụ việc chung thì trong nhiệm kỳ ấy ngoài việc cống hiến, họ còn lo xây dựng thương hiệu lâu dài cho tổ chức của mình, để khi mình không ứng cử nữa thì sẽ có người trong tổ chức của mình ứng cử. Trong trường hợp tranh cử thì con em mình có thể tiếp tục ứng cử từ một gia đình có thương hiệu, có truyền thống, được xã hội tôn trọng.
* Như ông nói ở trên, tư duy nhiệm kỳ cũng thể hiện tầm nhìn ngắn của người lãnh đạo?
- Chắc chắn như thế. Ngoài mặt nhân cách, đạo đức, nó còn liên quan đến năng lực, tầm nhìn, các quan niệm về giá trị sống. Lịch sử nước ta chiến tranh nhiều, việc đó cũng có ảnh hưởng đến tầm nhìn dài hạn trong tư duy phát triển. Mặt khác lại bị tâm lý tiểu nông, lo nhìn cái trước mắt, không nghĩ cái lâu dài. Theo tôi, người lãnh đạo như vậy không phải là người lãnh đạo có tâm, có tầm.
* Còn câu chuyện “tân quan, tân chính sách” thì sao, thưa ông? Nó có phải xuất phát từ tư duy nhiệm kỳ không?
- Có phần đó nhưng không phải tất cả. Có ông khi xuất hiện, đề ra chính sách khác, mới mà theo ông ấy như thế mới tốt. Vấn đề là chính sách đó đúng hay chỉ vì do ông ấy muốn làm khác đi nhằm gây ấn tượng để “ghi điểm”, để “đánh bóng”? Có những người lên nhận nhiệm vụ thì họ thay đổi theo hướng mới, hướng tốt, hướng tích cực. Cái đó đáng hoan nghênh quá. Đáng sợ là những người chỉ thay đổi để mà thay đổi, để mà ra oai, chứng tỏ là ta nắm quyền lực, uy quyền đã thuộc về ta…
* Ông thấy những người này xuất hiện nhiều trong bối cảnh hiện nay không?
- Nói nhiều thì không có số liệu để chứng minh. Nói ít lại càng không phải (cười).
* Còn với những người tròn vo, thiếu quyết liệt và luôn “đi nhẹ, nói khẽ” thì ông thấy sao?
- Đó là những người vô tích sự. Về mặt nào đó họ cũng “tốt”, nhưng cái tốt đó không để làm gì. Cái “tốt” mà không hiệu quả thì không phải là tốt. Thậm chí, người ta thấy sai không dám nói, sợ đụng chạm, sợ mất phiếu hoặc thỏa hiệp vô nguyên tắc để cùng lợi đôi bên.
* Thực ra, việc muốn gây dấu ấn không phải là biểu hiện xấu khi nó tạo ra những hiệu ứng tích cực, thưa ông?
- Muốn gây dấu ấn không phải tất cả là xấu, điều đáng phê phán là bệnh thành tích, là bệnh hình thức, háo danh. Cái đó không khuyến khích, không phải là tốt. Còn khi anh nóng ruột thật sự, anh sợ thời gian qua nhanh, hết đi mà không làm được gì có ích cho dân cho nước thì là tốt. Cho nên, quan trọng là phân biệt cho ra cái nào tiêu cực và cái nào tích cực ở trong đó, đừng nhập cục hết theo hướng này hoặc theo hướng kia. Nhưng mà đúng là hiện nay cần tập trung khắc phục mặt tiêu cực.
* Vậy theo ông, làm thế nào để chống được tư duy nhiệm kỳ?
- Giải quyết vấn đề đó tất nhiên là không dễ, phải suy nghĩ cho sâu, phải tính toán khoa học để tháo gỡ dần, kể cả những vấn đề nhận thức về giá trị sống. Mà không chỉ nhận thức không đâu, phải cho đến khi nó thấm vào thành văn hóa của những người cán bộ, để nó như tự nhiên, như bản chất, người đó biết tự xấu hổ với chính mình khi hành động sai. Việc đó phải lâu dài, công phu nhưng không phải là không làm được.
* Ông có lạc quan quá không khi yêu cầu như vậy? Có lẽ trước mắt vẫn cần những giải pháp thuộc về cơ chế, chính sách?
- Đúng thế! Cần có cơ chế chính sách đúng. Nói về lĩnh vực này thì dài dòng đấy.
Ngay chuyện trả lương thôi cũng nhiều bất cập. Bộ máy mình nhiều và cồng kềnh như thế này, trả lương ít như thế này thì rất khó cho việc chống tiêu cực. Người ta sống bằng cái gì, nuôi vợ, nuôi con bằng cái gì… cho nên không ít trường hợp cán bộ phải sống chủ yếu bằng nguồn thu nhập “thêm” bất chính. Đó là một thực tế. Theo tôi, bộ máy nên trả lương cao lên gấp nhiều lần, nhưng chọn lại ít người thôi, phải tốt, phải giỏi và rất nghiêm trong xử lý vi phạm. Có tiêu cực là buộc thôi việc ngay. Lại có ý kiến hỏi rằng “lấy tiền đâu để mà trả lương cao lên?”. Nhưng cũng có câu hỏi rằng “lấy tiền đâu mà trả lương cho bộ máy cồng kềnh và rất chồng chéo hiện nay, kể cả bao cấp tràn lan nữa, và lấy tiền đâu mà nhiều cán bộ vẫn sống đầy đủ và không ít người giàu lên nhanh chóng?”. Do cách quản trị mà thôi! Còn xã hội thì phải có cơ chế để phát hiện và đấu tranh với cái gian, cái xấu, tôn vinh những giá trị lâu bền về nhân cách.
Cần nhân rộng việc dân “chấm điểm” cán bộ
Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Trị sáng 20.3. Sau khi nghe các báo cáo, ông Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự quan tâm với chủ đề năm 2016 của Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị là “Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh” với điểm nhấn là thí điểm dự án “Dân chấm điểm, M-score” (đây là sáng kiến do Tổ chức Oxfam phối hợp thực hiện từ năm 2015 đến nay; thông qua số tổng đài, người dân sẽ nhận được những cuộc điện thoại với yêu cầu chấm điểm cán bộ bộ phận một cửa của 9 huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh Quảng Trị). Ông Nhân cho rằng, Quảng Trị cần chủ động nhân lực, vật lực để sau này khi các tổ chức độc lập không còn hỗ trợ thì tỉnh vẫn có thể tự đánh giá, phân tích số liệu thông qua công cụ “Dân chấm điểm”.
Ông Nhân cho biết Ủy ban T.Ư MTTQ VN sẽ cùng với Bộ Nội vụ khảo sát tất cả các địa phương (khoảng 20 tỉnh thành trong cả nước) đang sử dụng các công cụ đánh giá sự hài lòng của người dân, từ đó sẽ rút kinh nghiệm, xây dựng một chương trình chuẩn, đồng bộ. Sau đó, sẽ thí điểm trước khi sử dụng rộng rãi.
Nguyễn Phúc
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.