Bệnh viêm khớp vảy nến

21/08/2013 09:20 GMT+7

Tôi 42 tuổi, bị sưng đau các đầu ngón tay, ngón chân (cả 2 bên) đã 3 năm nay. Gần đây da tay, chân bị bong rất nhiều kèm theo hư móng. Điều trị ở Cần Thơ, bác sĩ nói tôi bị viêm đa khớp nhưng uống thuốc không hết, khi lên Sài Gòn được chẩn đoán là bệnh psoriatic arthritis, nhưng uống cũng chưa thấy giảm. Qua chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, xin hỏi tôi bệnh gì và phải điều trị ra sao? (luhoangoanh…@gmail.com)

Theo mô tả, có thể anh (chị) bị bệnh viêm khớp vảy nến (psoriatic arthritis) - là bệnh lý viêm khớp ở các khớp ngoại biên và/hoặc cột sống, có liên quan tới bệnh vảy nến, thường gặp nhất ở độ tuổi 30 - 50. Đây là một bệnh tự miễn, nguyên nhân chưa rõ, có thể do một sự kết hợp giữa yếu tố di truyền và môi trường.

Triệu chứng:

- Tại khớp: Có thể nhẹ hoặc rất nặng, hay gặp là sưng, đau, cứng khớp, không đối xứng một vài khớp, điển hình là ở khớp ngón xa; một số ít có viêm nhiều khớp đối xứng; hoặc chủ yếu là đau, hạn chế vận động ở cột sống và khớp cùng chậu, tùy theo thể lâm sàng. Bệnh có thể sưng toàn bộ một hoặc vài ngón tay hoặc ngón chân (chân hay gặp hơn tay), gặp ở 1/3 - 1/2 bệnh nhân. Có thể kèm viêm cân gan chân, viêm lồi cầu, viêm gân Achilles, viêm điểm bám các dây chằng quanh xương chậu.

- Tổn thương vảy nến trên da, Tổn thương móng tay móng chân: lõm móng và các triệu chứng loạn dưỡng móng khác.

- Các biểu hiện ngoài khớp ít gặp khác: viêm kết mạc, viêm mống mắt, hở van động mạch chủ, loét miệng, niệu đạo…

Xét nghiệm: Không có xét nghiệm nào đặc hiệu cho viêm khớp vảy nến.

X quang thường quy: Tổn thương trên X quang bao gồm những tổn thương phá hủy xương khớp và tổn thương tân tạo xương (tăng sinh màng xương ở thân xương cạnh khớp tổn thương).

Chụp cộng hưởng từ (MRI): ít khi cần thiết, tuy nhạy hơn X quang thường quy.

Nguyên tắc điều trị:

 Kết hợp điều trị song song các tổn thương da và khớp. Hầu hết các thuốc điều trị viêm khớp cũng có tác dụng trên các tổn thương da.

Kết hợp giữa dùng thuốc và các biện pháp khác: giáo dục bệnh nhân, vật lý trị liệu để hồi phục chức năng vận động; ngoại khoa có thể cần thiết để chỉnh sửa, thay khớp ở giai đoạn muộn.

Với các thể viêm khớp nhẹ, khu trú ở một vài khớp có thể chỉ cần dùng các thuốc kháng viêm không steroid đơn độc hoặc phối hợp với chích corticosteroid tại khớp. Thể trung bình, nặng thường đòi hỏi sử dụng các thuốc điều trị cơ bản như methotrexate và/hoặc các chế phẩm sinh học.

 Chuyên mục trên do Y - Nha khoa Vạn Phước (số 307F Nguyễn Văn Linh, P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) tài trợ. Mọi thắc mắc về sức khỏe, bạn đọc có thể gửi email, thư tín về chuyên mục theo địa chỉ: vanphuocclinic@gmail.com, bacsicuaban.tn@gmail.com hoặc Y -  Nha khoa Vạn Phước để được giải đáp và tư vấn.

 BS CKII Nguyễn Minh Tấn, Khoa Cơ xương khớp,  Y - Nha Khoa Vạn Phước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.