Khô hạn, xâm nhập mặn không chỉ khốc liệt trên đồng ruộng, hàng triệu hộ dân thiếu nước sử dụng, giờ đây, ảnh hưởng đã đến tận giường bệnh, phòng mổ với bao phiền toái chưa từng có.
Rửa dụng cụ phòng phẫu thuật phải xối từng ca nước ngọt - Ảnh: Đ.T |
Tại Bến Tre, một trong những tỉnh ven biển bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 160/164 xã, phường bị hạn, mặn bủa vây, tình trạng thiếu nước ngọt đã bao phủ khắp nơi.
Nguồn nước máy phục vụ sinh hoạt hầu hết đều nhiễm mặn. Các cơ sở y tế, bệnh viện (BV), bệnh nhân cũng không ngoại lệ và có những BV đã chịu cảnh “ăn đong” nước cả tháng nay.
Tiếp nước cho bệnh viện
Đầu giờ chiều, dưới cái nắng gay gắt của mùa hạn, chiếc xe bồn màu xanh của Công ty CP cấp thoát nước Bến Tre nhanh chóng tiến vào phía sau Khoa Nội A, BV Nguyễn Đình Chiểu để “tiếp nước” ngọt. Nước từ trên xe khẩn trương được nối ống bơm vào 2 bồn chứa 8 m3 đã gần cạn của BV. Gần một tháng nay, chiếc xe bồn có dung tích chứa 10 m3 này đã cần mẫn ra vô BV Nguyễn Đình Chiểu mỗi ngày 4 - 6 lần để cấp nước ngọt. Một công việc phát sinh chưa từng có trong những năm trước đây.
Ông Huỳnh Tạ Mai, lái xe bồn trên, cho biết để có nguồn nước ngọt cấp thêm cho BV, ông phải lái xe qua tận trạm cấp nước cặp sông Tiền thuộc P.Bình Đức (TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) để mua nước, rồi lại chở ngược về, kể cả hai lượt đi về là khoảng 50 km.
Bác sĩ Trình Minh Hiệp, Phó giám đốc BV Nguyễn Đình Chiểu, cho biết: “Rất may chúng tôi được Công ty CP cấp thoát nước Bến Tre ưu tiên cắt cử một xe bồn chuyên chở nước ngọt cung cấp cho khoảng 15 m3/ngày. Đây là nước ngọt chỉ dùng phục vụ ăn, uống, rửa trang thiết bị y tế, vận hành các thiết bị cần có nước ngọt. Còn lại các nhu cầu khác như tắm rửa, giặt giũ... chúng tôi phải quán triệt các khoa phòng là dùng nước máy nhiễm mặn”.
Rửa mặn, tráng ngọt dụng cụ y tế
Bác sĩ Hiệp cho biết tại BV, phòng thận nhân tạo của khoa nội A là nơi có nhu cầu sử dụng nước ngọt nhiều nhất. “Một bệnh nhân lọc thận phải cần ít nhất 1/2 khối nước ngọt để bơm vào máy chạy thận xử lý. Bệnh nhân suy thận càng nặng thì càng tốn nước”, bác sĩ Hiệp nói. Hiện tại, phòng thận nhân tạo BV này có 19 máy chạy thận trong khi lượng bệnh nhân suy thận chạy định kỳ là trên 100 người chưa kể bệnh nhân cấp cứu, nên gần như các máy đều chạy liên tục 4 ca từ 2 giờ sáng đến 18 giờ mỗi ngày. Chính vì nhu cầu điều trị quá lớn như trên nên nước sử dụng nhiều.
Tại khoa phẫu thuật - gây mê - hồi sức, cảnh thiếu nước ngọt lại càng gây phiền toái hơn. Điều dưỡng dụng cụ Nguyễn Văn Trường cho biết trước đây khi chưa bị nhiễm mặn, rửa dụng cụ chỉ cần qua công đoạn rửa nước máy, ngâm dung dịch, rửa vô trùng rồi đem đi hấp là xong. Còn bây giờ, nước máy bị nhiễm mặn, việc rửa dụng cụ tốn thêm nhiều thời gian và công sức. “Đầu tiên là vẫn phải rửa bằng nguồn nước máy nhiễm mặn, xong phải có người tiếp múc từng ca nước ngọt xối tráng qua cho hết nước mặn. Tiếp đó mới ngâm dung dịch, rửa lại vô trùng và đem đi hấp”.
Chị Trần Thị Tuyết Nga, điều dưỡng trưởng khoa phẫu thuật - gây mê - hồi sức, kể bình quân một ngày ở khoa mổ từ 50 - 60 ca nên khâu rửa dụng cụ phẫu thuật lúc nào cũng “đầu tắt mặt tối”. Đã cực rồi, bây giờ lại thêm tình trạng thiếu nước lại càng vất vả hơn. Chị Nga nói: “Mỗi khi có nước ngọt bơm vào bồn phía trước, chúng tôi phải cấp cử người xách từng xô vào phòng rửa dụng cụ. Cứ mỗi lần thì lại xách hai xô, mỗi xô khoảng 30 lít, hết lại phải xách thêm. Mỗi một ngày phải xách ra vô như thế không biết bao nhiêu lần”.
Theo chị Nga, sự bất tiện của thiếu nước là khi rửa những dụng cụ phẫu thuật nội soi, cắt đốt, siêu âm, chỉnh hình, sọ não, các loại ben, kéo, búa... “Có những dụng cụ khi xong không chỉ dính máu me, dịch tiết bầy nhầy vì thế nếu có nước vòi xả mạnh rửa sẽ nhanh hơn còn bây giờ tụi tôi phải múc từng ca nước ngọt để rửa từ từ”.
Theo bác sĩ Phạm Quốc Tuấn, những máy móc thiết bị y tế kỹ thuật cao nếu nhiễm mặn sẽ rất dễ hư hỏng. Một số máy móc như xét nghiệm sinh hóa, thận nhân tạo... sẽ bị đứng máy, không hoạt động hoặc cho kết quả không chính xác. Ngoài ra, các trang thiết bị phòng mổ nếu nhiễm nước mặn chắc chắn sẽ gỉ sét, hư hao.
Quen mặt mới mua được nước ngọt
Thiếu thốn nước ngọt không chỉ gây trở ngại cho BV mà cũng là phiền toái không nhỏ cho bệnh nhân. Ông Phan Ngọc Minh (57 tuổi, ngụ xã Phú Thuận, H.Bình Đại, Bến Tre), bệnh nhân thay chỏm xương đùi nằm ở Khoa Chấn thương chỉnh hình BV Nguyễn Đình Chiểu đã 29 ngày qua, bảo rằng ông đã nếm trải cảnh “uống đong”. “Nhìn cái mặt lạ mới đến xách bình thủy đi mua nước thì mua dính nước mặn cái chắc. Ở lâu, quen mặt cỡ như bà xã tôi mới mua được nước ngọt”, ông Minh nói.
Nhìn quanh phòng bệnh, ngoài bình thủy trữ nước sôi, gần như người bệnh nào cũng lỉnh kỉnh tận dụng thêm vài chai nước suối đã sử dụng để đựng nước ngọt đặt trên những cái tủ đầu giường bệnh. Đó là những chai nước họ mang theo từ nhà, có thể cách BV vài chục cây số. Nhìn những chai nước còn lưng, ông Minh đăm chiêu bảo: “Cảnh thiếu nước này sẽ còn dài vì giờ mới là tháng 3 thôi”.
“Chạy” nước từng bữa
Bác sĩ Phạm Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre, cho biết hiện tại ngoài BV Nguyễn Đình Chiểu thì tình trạng thiếu nước ngọt đã có những ảnh hưởng đến hầu hết cơ sở y tế trên địa bàn. Trong số đó có 8 BV tuyến huyện, thị và 6 BV tuyến tỉnh. Để ứng phó với tình trạng này, Sở Y tế đã có những chỉ đạo yêu cầu các đơn vị trước hết mua nước ngọt phục vụ cho nhu cầu thiết yếu và kế đến là tính toán phương án lọc nước mặn, trữ nước ngọt chủ động hơn. Theo ông Tuấn, hiện tại, ngoài BV lớn nhất tỉnh là Nguyễn Đình Chiểu thì các BV thuộc 3 huyện ven biển là Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú bị ảnh hưởng hạn, mặn nhiều nhất.
Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bến Tre đã có chỉ đạo ngành y tế phải tính đến các giải pháp lâu dài để ứng phó với tình trạng thiếu nước do hạn hán, xâm nhập mặn. Hiện Sở Y tế tỉnh Bến Tre đang yêu cầu các BV lập kế hoạch để đầu tư các loại máy lọc nước công nghệ RO với công suất cao, đảm bảo nguồn nước vệ sinh, an toàn.
|
Bình luận (0)