Bệnh viện cấp chăn ấm, mua máy sưởi giúp bệnh nhân chống rét

09/01/2018 12:56 GMT+7

Nhiệt độ giảm sâu và chênh lệch quá lớn chỉ trong vòng chưa đến 24 giờ qua khiến các bệnh viện phải khẩn trương chống rét cho người bệnh.

“Ngay khi cơ quan khí tượng dự báo có rét đậm, rét hại, chúng tôi đã gửi công văn khẩn yêu cầu các bệnh  viện thuộc Sở tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân đến khám và nội trú”, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết.
Theo yêu cầu của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, các bệnh viện tăng cường các thiết bị sưởi, chăn ấm trong phòng nội trú; với các bệnh nhân đến khám, các bệnh viện cũng phải đảm bảo sức khỏe cho người dân trong suốt quá trình khám bệnh, nơi chờ khám đảm bảo kín gió; đặc biệt chú trọng các bệnh nhân cao tuổi, sơ sinh và trẻ nhỏ, các phòng đẻ và sau sinh.
“Các cơ sở điều trị cũng phải sẵn sàng cơ số thuốc, giường bệnh, phương tiện cấp cứu, sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp cấp cứu do rét, thời tiết bất thường như tim mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch não, cúm, viêm đường hô hấp cấp...”, bà Nhị Hà nói.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, nơi mỗi ngày có hàng ngàn ca nội trú và bệnh nhân đến khám bệnh, cũng ghi nhận gia tăng các bệnh nhân nhập viện do tai biến mạch não, đột quỵ, viêm đường hô hấp... “Trời lạnh là thời điểm bệnh nhân đột quỵ gia tăng, trung bình mỗi ngày, khoa cấp cứu tiếp nhận 10 - 20 bệnh nhân đột quỵ, tăng khoảng 5 - 10%”, một bác sĩ điều trị của khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
“Mỗi người cần giữ ấm cơ thể, không ra ngoài trời lạnh vào ban đêm, nên ăn đồ ấm nóng, giàu dinh dưỡng để có đủ năng lượng giữ ấm cho cơ thể; tránh nguy cơ bị lạnh đột ngột làm co mạch khiến huyết áp tăng vọt, nguy cơ xảy ra đột quỵ lớn. Ngay những người trẻ cũng không nên chủ quan, nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện những yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp, đột quỵ", TS Đồng Văn Thành, Phó trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai, lưu ý.
Theo bác sĩ Thành, người dân, đặc biệt là người cao tuổi, người có bệnh tăng huyết áp, tim mạch, không để bị rét đột ngột, cần làm ấm cơ thể trước khi ra khỏi nhà, đặc biệt vào các thời điểm ban đêm hoặc sáng sớm để tránh bị lạnh đột.
“Tại khoa khám bệnh, chúng tôi đã tăng cường gần 30 máy sưởi cho các khu vực: lấy máu xét nghiệm, siêu âm, điện tim, và phục vụ cho các bệnh nhân phải bỏ bớt quần áo hoặc để hở một phần cơ thể, phòng khi bị nhiễm lạnh nếu không có phương tiện giữ ấm”, tiến sĩ Thành cho hay.
Theo Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Bạch Mai, các khoa, phòng của bệnh viện này đều rà soát, cấp đủ chăn ấm và duy trì các thiết bị giữ ấm cho bệnh nhân nội trú. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.