Ngày 18.5, Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức triển khai ứng dụng thẻ khám bệnh, đồng thời cũng là thẻ thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt và hóa đơn điện tử.
Nhiều ưu điểm
Bác sĩ CK.2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh viện áp dụng thẻ khám bệnh tích hợp 2 chức năng vừa là thẻ khám bệnh, vừa là thẻ thanh toán dành cho bệnh nhân ngoại trú.
Thẻ khám bệnh dễ dàng nhận diện đúng người bệnh (qua số thẻ BHYT, CMND). Thẻ khám bệnh tích hợp dữ liệu mỗi lần khám và dễ dàng truy xuất các thông tin cá nhân, thông tin thẻ BHYT, thông tin khám bệnh của những lần trước. Đặc biệt, người bệnh dùng thẻ tại bệnh viện không cần mang theo các giấy tờ khác khi tái khám.
Bên canh đó, thẻ khám bệnh còn tích hợp chức năng của thẻ ngân hàng giúp người bệnh thuận tiện trong quá trình thanh toán, giúp đơn giản hóa quy trình khám bệnh, chống mất cắp, đồng thời lưu giữ tiền cho những lần tái khám.
Đối với người bệnh nội trú, Bệnh viện Chợ Rẫy triển khai App thanh toán trên điện thoại thông minh nhằm thuận tiện cho người bệnh khi thanh toán không dùng tiền mặt. Người thân có thể hỗ trợ thanh toán từ xa, lựa chọn nhiều hình thức thanh toán: tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, QR code, ví điện tử…
Song song đó, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng triển khai hóa đơn điện tử nhằm giúp cho quá trình thanh toán diễn ra nhanh chóng, tiết kiệm chi phí giấy tờ, thiết bị lưu trữ; không lo thất lạc hóa đơn cũng như có thể sử dụng được nhiều lần.
Quy trình ra sao?
Theo bác sĩ Thức, người bệnh đến khám lần đầu sau khi lấy số thứ tự (bằng cách quẹt CMND, thẻ BHYT vào máy lấy số tự động) thì được cấp 1 thẻ miễn phí. Thẻ này được nạp tiền tại quầy đăng ký nhận bệnh.
|
Ở mỗi khâu khám, chữa bệnh thì người bệnh chỉ quẹt thẻ vào thiết bị thanh toán tự động để biết số tiền sẽ phải thanh toán. Người bệnh khám, chữa bệnh xong và chỉ được trừ tiền trên thẻ trước khi nhận thuốc. Nếu tiền trong thẻ thiếu thì bệnh nhân bù vào, dư thì sẽ được trả lại tại chỗ. Lần tái khám tiếp theo, bệnh nhân sẽ được cấp 1 thẻ thám bệnh có tính năng như thẻ ngân hàng.
“Nếu các bệnh viện tỉnh dùng thẻ khám bệnh như của Bệnh viện Chợ Rẫy, khi bệnh nhân mang thẻ này lên Bệnh Viện Chợ Rẫy khám thì các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ biết tất cả quá trình khám, chữa bệnh của bệnh nhân ở tỉnh. Khi dùng thẻ này, bệnh nhân cũng sẽ được liên thông xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh…”, bác sĩ Thức nói.
Chống “cò”, tăng minh bạch
Tại buổi lễ ra mắt, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, các bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của quá trình khám, chữa bệnh làm giảm thời gian chờ đợi, giảm phiền hà, tăng tính công khai minh bạch, đảm bảo an ninh trong bệnh viện và giúp quy trình khám, chữa bệnh hoàn thiện. Đặc biệt là hạn chế sử dụng tiền mặt trong khám, chữa bệnh theo chủ trương của Chính phủ. Qua khảo sát tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thời gian sử dụng thẻ để thao tác chỉ mất 15 phút.
|
Theo thứ trưởng Sơn, Bộ Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh mong muốn đồng bộ, liên thông công nghệ thông tin từ tuyến cơ sở, tuyến huyện đến tuyến trung ương. Được như vậy thì hồ sơ sức khỏe, hồ sơ khám, chữa bệnh không phải đưa cho người bệnh cầm theo.
Những thông tin về xét nghiệm ở tuyến dưới đáp ứng đầy đủ điều kiện liên thông giữa các bệnh viện tương đương thì sẽ được chuyển qua mà không phải làm lại. Đặc biệt, người bệnh khám, chữa bệnh xong về nhà thì hồ sơ khám, chữa bệnh lại lưu vào trong hồ sơ sức khỏe người bệnh. Qua đó ngành y tế sẽ dễ dàng theo dõi xuyên suốt ,tình trạng sức khoẻ của từng bệnh nhân.
Ngoài ra, thực trạng “cò” bệnh viện là một vấn nạn ở tất cả các bệnh viện. Tuy nhiên, khi triển khai công nghệ thông tin chưa đồng bộ thì sẽ có những lỗ hổng dễ bị lợi dụng.
Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, hiện mỗi ngày Bệnh viện Chợ Rẫy khám và điều trị cho gần 10.000 lượt người bệnh nội và ngoại trú. Do vậy, việc tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh mang ý nghĩa giảm tải, giảm thời gian chờ đợi, hạn chế sử dụng tiền mặt, đồng thời còn là một trong những biện pháp chống “cò khám bệnh”… Quy trình này là hoàn toàn tự động, khám bệnh đúng người và không còn tình trạng cho người này khám trước, người khám sau.
|
Bình luận (0)