Bệnh viện Chợ Rẫy không cung cấp được 80% trang thiết bị khi các khoa yêu cầu

Duy Tính
Duy Tính
26/08/2022 06:16 GMT+7

Chiều 25.8, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đến làm việc tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM).

Tại cuộc làm việc, TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, có 4 kiến nghị trọng tâm. Thứ nhất, đề nghị bổ sung một chương riêng, chuyên sâu về đấu thầu mua sắm phục vụ công tác y tế trong luật Đấu thầu. Thứ hai, khẩn trương ban hành nghị định chi tiết về liên doanh, liên kết, xã hội hóa trong y tế. Thứ ba, chấp nhận hình thức đặt máy, máy mượn để sử dụng hóa chất trúng thầu trong y tế để các đơn vị thuận lợi phục vụ người bệnh. Cuối cùng là tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, cải thiện thu nhập, phụ cấp cho nhân viên y tế phù hợp với thời điểm hiện tại.

Nhiều bệnh viện thiếu thuốc, trang thiết bị máy móc, vật tư y tế phục vụ bệnh nhân

Duy Tính

Theo BS Bùi Phú Quang - Chủ tịch Công đoàn BV Chợ Rẫy, mong muốn của BV là phát triển trang thiết bị, tuy nhiên, hiện “vướng” về máy móc. Vào cuối năm, các khoa báo cáo xin trang thiết bị nhưng chỉ có thể giải quyết những trường hợp khẩn cấp, còn 80% trang thiết bị các khoa đòi hỏi yêu cầu thì chưa được.

Lý giải về việc nhân viên y tế nghỉ việc (từ tháng 1 - 8.2022, BV Chợ Rẫy nghỉ 77 người), BS Bùi Phú Quang cho rằng “có sự cạnh tranh giữa y tế công và tư, nhưng thật sự anh em vẫn muốn phục vụ Chợ Rẫy nếu như có điều kiện, có máy móc”.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đặt vấn đề với Giám đốc BV Chợ Rẫy: “Những nội dung BV đề xuất là đứng ở góc độ BV. Còn đối với nhà quản lý, Chính phủ thì đứng trên góc độ cả BV và người dân. Như vậy, bài toán làm thế nào mà BV vẫn tính đúng, tính đủ để cung cấp dịch vụ tốt, hài lòng người bệnh thì về phía người dân chi phí chi thêm có cách nào giảm đi được không”.

Trước vấn đề được quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra, TS-BS Nguyễn Tri Thức trả lời: “Tính đúng, tính đủ không phải là lạm dụng người bệnh. Đây là lấy vừa đủ để tồn tại và có tích lũy vừa phải để phát triển, chứ không phải theo kiểu lạm thu. Mặt khác, y tế công cũng phải có giá trần chứ không phải muốn tính bao nhiêu thì tính là “chết” người bệnh”.

Theo bà Đào Hồng Lan, hiện vướng mắc về thiếu thuốc, vật tư y tế chủ yếu liên quan quy trình đấu thầu. Do đó, đề nghị Vụ Kế hoạch tài chính làm một quy trình cụ thể như cẩm nang giúp các BV nhìn vào đó làm một cách yên tâm và tự tin, vì nhiều nơi, cán bộ đấu thầu toàn BS, không có nghiệp vụ về kinh tế. Khi làm dự thảo quy trình thì nhờ kiểm toán, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra T.Ư giúp xem cho quy trình có chuẩn hay không. “Bộ Y tế có làm đấu thầu đi chăng nữa cũng rất vướng, mất rất nhiều thời gian. Hồ sơ thì không yên tâm, đọc như thế nhưng nghị định, thông tư mỗi người hiểu một kiểu. Khổ nhất là cơ quan thanh tra, kiểm toán hiểu ngược mình”, bà Lan chia sẻ.

Bà Lan thông tin thêm Bộ Y tế đã trình Chính phủ nghị quyết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện tại. Cũng theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, nếu sửa đổi các quy định một cách căn cơ, sẽ tạo ra được hành lang pháp lý để các đơn vị tổ chức thực hiện nhiệm vụ. “Tôi đọc báo và thật sự rất đau lòng khi để người bệnh ra ngoài mua (thuốc, vật tư y tế - PV) mang vào cho BS khám, chữa bệnh. Chưa bao giờ trong lịch sử ngành y có như vậy”, bà Đào Hồng Lan nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.