(TNO) Ở miền nam Ấn Độ, hệ thống Bệnh viện Narayana Hrudayalaya, được xây dựng như một siêu thị nhưng hoạt động như một hãng hàng không giá rẻ, nhằm giảm viện phí và giúp đỡ nhiều bệnh nhân nghèo mắc bệnh tim.
Bệnh viện kiểu siêu thị “nhà thép tiền chế”
“Ngày nay, tiến bộ y khoa giúp con người có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hơn một trăm năm qua sau cuộc phẫu thuật tim thành công lần đầu tiên, chỉ có 10% dân số thế giới có đủ tiền để phẫu thuật tim”, AFP dẫn lời bác sĩ Devi Shetty, một bác sĩ tim mạch Ấn Độ nổi tiếng thế giới, nhà sáng lập Narayana Hrudayalaya (ý nghĩa: “Ngôi đền Trái tim).
|
Bệnh viện đầu tiên trong hệ thống bệnh viện tư nhân Narayana Hrudayalaya nằm ở thành phố Bangalore, miền nam Ấn Độ, được xây dựng theo kiểu nhà thép tiền chế, với giá 400 triệu rupee (7,4 triệu USD), chỉ mất 10 tháng xây dựng, giảm chi phí đầu tư đáng kể.
Ông Shetty cho biết ông không muốn xây dựng bệnh viện nhiều tầng vì phải mất nhiều chi phí xây dựng, bảo trì thang máy, làm “khổ” bệnh nhân phải di chuyển lên xuống từ tầng này đến tầng khác.
|
Bệnh viện Narayana Hrudayalaya có 5 phòng mổ tim, não và thận, được trang bị đầy đủ thiết bị y tế, với trên 300 giường bệnh.
Nhằm đảm bảo là bệnh viện giá rẻ, ông Shetty cho hay ông không trang bị hệ thống máy lạnh, mà thay vào đó là hệ thống thông gió. Chỉ có phòng phẫu thuật, cấp cứu và phòng chăm sóc đặc biệt mới được trang bị máy lạnh để đảm bảo tiệt trùng.
Hoạt động như siêu thị, hãng hàng không giá rẻ
Ông Shetty trước đây đã rất thành công với mô hình bệnh viện “lấy của người giàu cho người nghèo” tại thành phố Bangalore hồi năm 2001, và ông tiếp tục nhân rộng mô hình này ở Narayana Hrudayalaya.
Mỗi ngày, Bệnh viện Narayana Hrudayalaya thực hiện khoảng 30 ca phẫu tim, thuộc hàng cao nhất thế giới, với giá dao động khoảng 800 USD/ca phẫu thuật tim.
Đối với những bệnh viện có khả năng chi trả, họ chỉ trả cao hơn một chút, và số tiền dư sẽ được cộng dồn để có kinh phí tiến hành phẫu thuật cho những bệnh nhân nghèo nhất.
Nhiều đài truyền hình quốc tế gần đây phát sóng các phóng sự về bác sĩ Shetty, người đi tiên phong giúp đỡ bệnh nhân nghèo.
|
“Chúng tôi thấy ông ấy xuất hiện trên truyền hình gần đây và chúng tôi có thể cảm nhận được sự cống hiến của ông cho người nghèo và tầng lớp trung lưu như chúng tôi”, ông Ranjan Bhattacharya, một công chức Ấn Độ vừa vượt qua 2.000km để đưa vợ đến bệnh viện của ông Shetty chữa bệnh.
Khi hợp tác với các nhà phân phối, Bệnh viện Narayana Hrudayalaya đầu tư “mua sỉ” dụng cụ y tế, thuốc men, và cả van tim với số lượng lớn, nhằm giảm chi phí.
Lấy ý tưởng hãng hàng không giá rẻ luôn luôn tăng cường số lượng chuyến bay để giảm giá, các phòng phẫu thuật tại bệnh viện này làm việc 24/24, 6 ngày/tuần.
Ngoài các bác sĩ Ấn Độ, nhiều bác sĩ châu u tranh thủ đến bệnh viện này cộng tác trong khoảng 4 ngày/tuần, và thù lao của họ thậm chí cao hơn cả ở nước sở tại vì phẫu thuật nhiều ca.
“Chúng tôi nhận ra rằng càng phẫu thuật nhiều ca, kết quả sẽ tốt hơn và chi phí giảm hẳn, nhưng đảm bảo chất lượng và bệnh nhân không phải đợi chờ quá lâu mới được phẫu thuật”.
Hiện tại, hệ thống Bệnh viện Narayana Hrudayalaya của ông Shetty có 17 chi nhánh với tổng cộng 6.000 giường bệnh.
Ông Shetty cho biết hiện ông đang lên kế hoạch mở rộng mô hình bệnh viện này tại khắp Ấn Độ, Anh và Mỹ.
Phúc Duy
Ảnh: AFP
>> Cháy bệnh viện ở Nga, 38 người chết
>> Một bệnh nhi tử vong bất thường tại bệnh viện
>> Thanh tra một loạt bệnh viện ở TP.HCM
>> Vĩnh Long: Hơn 1.500 tỉ đồng cải tạo và nâng cấp bệnh viện tỉnh
>> Kiểm điểm bệnh viện giao nhầm 2 trẻ sơ sinh
>> Bệnh viện xin được xác nhận... gây ô nhiễm !
>> Nghi án bác sĩ giết 300 bệnh nhân để giải phóng giường bệnh
>> 25 giường bệnh cho 10.000 dân
Bình luận (0)