Bệnh viện Mắt TP.HCM hướng đến ghép giác mạc nội mô chuyên sâu

Duy Tính
Duy Tính
23/02/2023 10:29 GMT+7

Bệnh viện Mắt TP.HCM đang phối hợp với Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch xây dựng kế hoạch thành lập Ngân hàng Mắt trực thuộc Ngân hàng mô của trường, với sự hỗ trợ chuyên môn từ Ngân hàng Mắt Eversight (Mỹ) để có nguồn giác mạc.

Ngày 23.2, bác sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, cho biết từ ngày 19 đến 22.2, Bệnh viện Mắt TP.HCM tổ chức khóa tập huấn chuyên đề ghép giác mạc với sự tham gia hướng dẫn của đoàn chuyên gia hàng đầu về ghép giác mạc.

Theo đó, các chuyên gia hàng đầu về ghép giác mạc đến Bệnh viện Mắt gồm: GS Anthony J. Aldave, Phó viện trưởng và Trưởng khoa Giác mạc - viêm màng bồ đào của Stein Eye Institute và University of California Los Angeles (Mỹ); PGS Simon Fung, chuyên giác mạc nhi tại Stein Eye Institute và University of California Los Angeles (Mỹ); GS Rajesh Fogla, Giám đốc Bệnh viện Mắt Apollo (Ấn Độ).

Bệnh viện Mắt TP.HCM hướng đến ghép giác mạc nội mô chuyên sâu - Ảnh 1.

Hướng dẫn kỹ thuật ghép giác mạc nội mô tại Bệnh viện Mắt TP.HCM

BVCC

Trong khóa tập huấn chuyên đề ghép giác mạc lần này, đoàn chuyên gia sẽ tổ chức hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật Ghép giác mạc nội mô (DSEK, DMEK) cho các bác sĩ chuyên khoa Giác mạc tại Bệnh viện Mắt; Khám và hội chẩn các ca khó để xác định hướng điều trị 31 bệnh nhân có các bệnh lý về nội mô giác mạc (giác mạc mất bù, loạn dưỡng nội mô Fuchs và các bệnh lý giác mạc khác cần ghép giác mạc như sẹo giác mạc, nhiễm trùng giác mạc và những trường hợp phức tạp như mắt độc nhất, đã có phẫu thuật giác mạc trước đó…); Đào tạo chuyển giao kỹ thuật ghép giác mạc nội mô (DSEK, DMEK) cho 6 phẫu thuật viên giác mạc với 16 ca mổ.

Bác sĩ Lê Anh Tuấn cho biết thêm, bên cạnh việc tiếp tục phát triển và mở rộng đội ngũ ghép giác mạc xuyên và ghép giác mạc nội mô DSEK, Bệnh viện Mắt hướng tới phát triển kỹ thuật chuyên sâu về ghép giác mạc nội mô DMEK.

Ghép giác mạc nội mô DMEK hiện là kỹ thuật ghép giác mạc tiên tiến nhất trên thế giới, chỉ thay thế lớp nội mô bệnh lý của bệnh nhân, giúp giảm nguy cơ thải ghép và phục hồi thị lực nhanh. Tại Việt Nam chỉ có Bệnh viện Mắt Trung Ương và Bệnh viện Mắt TP.HCM có đủ năng lực, nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện danh mục kỹ thuật này.

Cũng theo người đứng đầu Bệnh viện Mắt TP.HCM, theo kế hoạch phát triển y tế chuyên sâu giai đoạn 2023 - 2025 về chuyên ngành giác mạc, Bệnh viện Mắt sẽ đẩy mạnh kỹ thuật ghép giác mạc nội mô, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực lâu dài. Nhưng việc chủ động tìm được nguồn giác mạc ổn định cũng là một nhu cầu cấp thiết.

Do đó, Bệnh viện Mắt đang phối hợp với Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch xây dựng kế hoạch thành lập Ngân hàng Mắt trực thuộc Ngân hàng mô của trường, với sự hỗ trợ chuyên môn từ Ngân hàng Mắt Eversight (Mỹ).

Theo bác sĩ Bệnh viện Mắt, giác mạc là lớp màng trong suốt gồm 5 lớp ở phần trước của nhãn cầu và khi có bệnh lý chúng trở nên mờ đục, gây giảm thị lực. Lớp nội mô là lớp trong cùng của giác mạc có chức năng duy trì sự trong suốt của giác mạc. Khi mắc bệnh lý của lớp nội mô, bệnh nhân thường có triệu chứng mờ, cộm xốn, chảy nước mắt thường xuyên. Những bệnh lý của lớp nội mô thường gặp là: bệnh lý giác mạc mất bù ở người đã mổ thủy tinh thể, loạn dưỡng giác mạc di truyền. Khuynh hướng phẫu thuật giác mạc hiện nay là chỉ thay thế lớp giác mạc bệnh lý mà vẫn giữ nguyên những phần không bệnh lý khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.