Hai cụ ông được sáng mắt nhờ ghép giác mạc của một phụ nữ hiến tặng

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
31/10/2022 15:41 GMT+7

Hai cụ ông bị mù lòa tại Thừa Thiên-Huế đã được ghép giác mạc thành công tại Bệnh viện Trung ương Huế từ nguồn hiến tặng của một người phụ nữ ở Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk ).

Ngày 31.10, Bệnh viện Trung ương Huế đã cho ra viện bệnh nhân Nguyễn Tiến D. (70 tuổi, trú tại P.Xuân Phú) và Phan V. (84 tuổi, trú tại P.Thủy Biều, cùng TP.Huế) sau khi hai cụ ông được ghép giác mạc thành công từ nguồn giác mạc của bà Trần Thị Ánh T. (54 tuổi) qua đời tại nhà riêng ở tỉnh Đắk Lắk.

Hai bệnh nhân Nguyễn Tiến D. (70 tuổi, trú tại P.Xuân Phú, TP.Huế) và Phan V, (84 tuổi, trú tại P.Thủy Biều, TP.Huế) được sáng mắt trở lại và xuất viện sau khi ghép giác mạc

T.H

Theo Bệnh viện Trung ương Huế, trước đó, ngày 10.10 bệnh viện nhận được thông tin có bệnh nhân nữ có nguyện vọng hiến tặng giác mạc từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, nên mạng lưới ghép giác mạc của Bệnh viện Trung ương Huế đã khởi động hệ thống và theo dõi sát tình hình.

Vào lúc 6 giờ ngày 15.10, ngay sau khi bệnh nhân qua đời tại nhà riêng, bác sĩ Lê Dương Thùy Linh (công tác tại Bệnh viện Mắt tỉnh Đắk Lắk, thành viên Mạng lưới ghép giác mạc tại Đắk Lắk) đã thu nhận giác mạc, đảm bảo thời gian vàng và chất lượng giác mạc hiến.

Y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành ghép giác mạc cho các bệnh nhân

T.H

Cùng thời điểm này, các bác sĩ tại Trung tâm Mắt, Bệnh viện Trung ương Huế khám, chọn lọc những bệnh nhân phù hợp nhất từ danh sách dài bệnh nhân chờ ghép giác mạc, chọn được cụ D. và V. để đưa vào danh sách bệnh nhân chờ ghép giác mạc.

Hai cụ này sống tại Thừa Thiên-Huế, bị bệnh lý giác mạc đã lâu, sống trong cảnh mù lòa trên 10 năm nay (một mắt đã hỏng hoàn toàn)...

Trong 2 ngày 19 và 20.10, dưới sự chỉ đạo của GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Trung tâm Mắt đã tiến hành phẫu thuật ghép giác mạc cho 2 bệnh nhân. Sau ca ghép, bệnh diễn tiến rất tốt.

"Cho đi là còn mãi"

Một tuần sau phẫu thuật, thị lực của cả hai bệnh nhân đã được hồi phục một phần, bệnh nhân đã có thể tự đi lại và nhìn mọi thứ trong tầm 2-3 m. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị và theo dõi sát để đảm bảo quá trình hồi phục của giác mạc ghép tốt nhất.

Theo GS-TS Phạm Như Hiệp, sự phối hợp nhịp nhàng, trân trọng từng giây phút đối với giác mạc hiến của các bác sĩ thành viên trong mạng lưới đã góp phần đem lại thành công cho 2 ca ghép.

"Tập thể các y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế, các bác sĩ thành viên của mạng lưới ghép giác mạc và các bệnh nhân được ghép giác mạc xin thành kính tri ân tấm lòng cao đẹp của bà Trần Thị Ánh T. và gia đình đã có nghĩa cử cao đẹp, mang ánh sáng của mình để trao tặng cho người khác", GS-TS Phạm Như Hiệp nói.

Giác mạc của người hiến được tiến hành ghép cho hai cụ ông mù lòa ở Huế

T.H

Theo GS Hiệp, ngay trong ngày ra viện, 2 bệnh nhân vừa được nhận giác mạc cũng đã thông tin đến Trung tâm ghép tạng Bệnh viện Trung ương Huế là sẽ làm đơn đăng ký hiến tạng sau khi chết như một lời tri ân người ở Đắk Lắk đã hiến tặng.

“Cho đi là còn mãi, đó cũng chính là thông điệp của Bệnh viện Trung ương Huế mong gửi đến mọi người để cùng lan tỏa những giá trị nhân văn, mong cuộc sống này tốt đẹp hơn và mang lại tia hy vọng cho các bệnh nhân đang ngày đêm mong chờ cơ hội điều trị bệnh", GS-TS Phạm Như Hiệp chia sẻ thêm.

Mạng lưới ghép giác mạc miền Trung và Tây nguyên thành lập ngày 30. 6.2022, đáp ứng kịp thời được các yêu cầu kỹ thuật, chuyên môn và thời gian khi thu nhận giác mạc ở những nơi xa và thỏa mãn tâm nguyện của người hiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.