Bệnh viện ở TP.HCM giúp cứu sống hàng ngàn bệnh nhân ở Lâm Đồng

Duy Tính
Duy Tính
03/04/2024 14:13 GMT+7

Ngành y tế TP.HCM sau khi hợp tác phát triển với ĐBSCL, các tỉnh Đông Nam bộ thì nay tiếp tục hợp tác với các tỉnh vùng Tây Nguyên.

Ngày 3.4, tại TP.HCM diễn ra hội nghị ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển trong lĩnh vực y tế giữa TP.HCM và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên gồm: Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, cho biết từ những năm 1999 - 2000, các bệnh viện ở TP.HCM đã bắt đầu hỗ trợ cho Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng về hồi sức cấp cứu nhi khoa, mổ chấn thương sọ não.

Từ đó đến nay, các bệnh viện ở TP.HCM đã chuyển giao cho Lâm Đồng hơn 100 kỹ thuật. Riêng từ năm 2017 đến nay được hơn 60 kỹ thuật, trong đó có 32 kỹ thuật hạng đặc biệt và 28 kỹ thuật hạng khác.

Đặc biệt, từ năm 2014 trở lại đây, Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng đã được thụ hưởng 2 đề án bệnh viện vệ tinh. Đó là tim mạch can thiệp của Bệnh viện Nhân dân Gia Định và điều trị ung thư của Bệnh viện Ung bướu.

Bệnh viện ở TP.HCM giúp cứu sống hàng ngàn bệnh nhân ở Lâm Đồng- Ảnh 1.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM và Giám đốc Sở Y tế 5 tỉnh vùng Tây Nguyên ký kết hợp tác trong lĩnh vực y tế vào ngày 3.4

DUY TÍNH

"Năm 2014, chúng tôi cử 2 ê kíp học tập tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định và tháng 9.2015 Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng đưa vào hoạt động Đơn vị tim mạch can thiệp. Đến nay đã có hơn 5.000 ca can thiệp tim mạch cấp cứu và có hơn 1.000 ca cấp cứu trong thời gian vàng", ông Thuận nói và cho biết thêm: Thời gian trước, những bệnh nhân này phải chuyển về TP.HCM để cấp cứu, nếu như sống thì cũng để lại di chứng tổn thương cơ tim, vì thời gian đến TP.HCM nhanh nhất thì cũng phải mất từ 6 - 7 giờ và nhanh nhất phải sau 10 giờ mới được can thiệp.

Ngoài ra, nhờ vào nhiều kỹ thuật chuyển giao từ Bệnh viện Nhân dân 115 về can thiệp não, tạng và tim, Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng đã cứu sống được hàng trăm bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, xuất huyết não.

Nhờ Bệnh viện Ung bướu chuyển giao kỹ thuật, Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng đã có khoa điều trị ung thư tương đối hoàn chỉnh gồm có xạ trị, hóa trị, phẫu thuật trị liệu… Ngoài ra, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng hỗ trợ để Lâm Đồng điều trị ung thư tại địa phương ngày tốt hơn.

Ngoài ra, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cũng đã chuyển giao cho Lâm Đồng hàng chục kỹ thuật về chấn thương chỉnh hình, kỹ thuật mới trong phẫu thuật thần kinh hiệu quả. Vì vậy, hiện bệnh nhân chấn thương chỉnh hình đã quá tải tại Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng.

Các Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng giúp từ một khoa nhi của Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng trở thành một bệnh viện chuyên khoa nhi, và hồi sức nhi ngày càng tốt. Tiến tới Lâm Đồng sẽ hình thành Bệnh viện Sản Nhi, có sự hỗ trợ từ Bệnh viện Từ Dũ; đồng thời đang triển khai điều trị vô sinh…

"Chúng tôi rất vui mừng và yên tâm vì tuyến cuối của chúng tôi là TP.HCM luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ. Ngay vấn đề khám chữa bệnh từ xa, chúng tôi đã áp dụng trong nhiều năm vừa qua. Các ca khó thì hội chẩn với các bệnh viện ở TP.HCM. Bên cạnh đó, các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Lâm Đồng được đào tạo liên tục tại chỗ và tại TP.HCM để có chứng chỉ chuyên khoa, sau đại học và cập nhật kiến thức kịp thời, chất lượng", ông Thuận chia sẻ.

Ông Thuận cho biết, từ sự hỗ trợ của các bệnh viện ở TP.HCM, Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng cứu sống hàng ngàn ca bệnh. Nhờ đó, ngành y tế Lâm Đồng nhận được sự tin tưởng và thương yêu của người dân. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng ngày càng tin tưởng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho bệnh viện phát triển…

Cần đổi mới sáng tạo trong ngành y tế

Cũng tại hội nghị, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã giới thiệu các hoạt động đổi mới sáng tạo hiệu quả của ngành y tế trong thời gian qua để các tỉnh tham khảo. Cùng ngày ông cũng đã ký ban hành khuyến cáo triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân tại các bệnh viện và các cơ sở y tế trên địa bàn.

Về hợp tác với các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2024 – 2025, các bệnh viện của TP.HCM và các tỉnh thảo luận, chuyển giao kỹ thuật, tham mưu UBND các tỉnh hỗ trợ nguồn lực (trang thiết bị chuyên khoa, cơ sở hạ tầng). Nghiên cứu xây dựng mạng lưới chuyên khoa theo quy mô vùng; hợp tác nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch; chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về y tế…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.