Bệnh Whitmore có thể phải điều trị kháng sinh đến 6 tháng

Liên Châu
Liên Châu
22/11/2022 04:18 GMT+7

Viêm phổi là triệu chứng rất dễ gặp ở người mắc bệnh Whitmore , tuy nhiên một số triệu chứng ngoài da ở trẻ nhỏ cũng có thể là dấu hiệu gợi ý.

Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư (Hà Nội) có khuyến cáo mới nhất về bệnh Whitmore, sau khi BV này tiếp nhận 2 bệnh nhi mắc bệnh Whitmore với các triệu chứng nặng, trong đó 1 ca tử vong.

Theo Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, có thể diễn biến nặng, tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch.

Viêm phổi hoại tử

Viêm phổi là thể bệnh hay gặp nhất, có biểu hiện lâm sàng giống với các viêm phổi mắc phải trong cộng đồng do các căn nguyên khác. Bệnh nhân có sốt cao, sốt rét run, ho đờm mủ. Tổn thương có thể tiến triển thành viêm phổi hoại tử dẫn đến suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn.

Một bệnh nhân bị vi khuẩn Whitmore gây hoại tử cánh mũi, từng được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)

Mai Thanh

Nhiễm khuẩn huyết cũng là thể bệnh hay gặp, có thể không xác định được đường vào, dễ diễn biến thành sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng gây tử vong. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị áp xe hoặc viêm mủ tuyến mang tai.

Các biểu hiện lâm sàng ít gặp hơn ở bệnh nhân Whitmore là áp xe trong ổ bụng (áp xe gan, áp xe lách, áp xe cơ thắt lưng chậu); tại da và mô mềm (tổn thương đa dạng không đặc hiệu như loét da, áp xe dưới da, mụn mủ rải rác, viêm mô tế bào, viêm cân mạc, áp xe cơ); với thận tiết niệu (viêm thận bể thận, viêm tiền liệt tuyến, áp xe tiền liệt tuyến). Cũng ít gặp hơn các triệu chứng về xương khớp (viêm tủy xương, viêm khớp nhiễm trùng); thần kinh (viêm màng não mủ, áp xe não, viêm màng não - tủy; tim mạch (viêm màng ngoài tim, phình mạch)...

Theo BV Nhi T.Ư, với trẻ mắc Whitmore, thể bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết có thể xảy ra nhưng không thường xuyên. Ngược lại, thường gặp các tổn thương da hoặc viêm mủ, áp xe tuyến mang tai.

Chưa có vắc xin phòng bệnh

Theo Bộ Y tế, tại VN, ca bệnh Whitmore đầu tiên được ghi nhận vào năm 1925 và đến nay vẫn xuất hiện rải rác ở một số địa phương. Vi khuẩn B.pseudomallei gây Whitmore sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là những vùng ngập úng sau lũ lụt. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua da khi lội trong nước, bùn thời gian dài, hoặc có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bị nhiễm vi khuẩn. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh.

“Tất cả các trường hợp nhiễm B.pseudomallei từ nhẹ đến nặng đều cần được điều trị ban đầu bằng kháng sinh đặc hiệu (truyền tĩnh mạch) ít nhất 2 tuần, sau đó điều trị duy trì kháng sinh đường uống trong tối thiểu 3 tháng. Tuy nhiên, thời gian duy trì kháng sinh cũng có thể kéo dài từ 3 - 6 tháng tùy theo vị trí ổ nhiễm trùng”, theo Trung tâm Bệnh nhiệt đới - BV Nhi T.Ư.

Cách chủ động phòng bệnh Whitmore

Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch.

Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.

Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.

Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay...) nếu thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.

Khi có vết thương hở, vết loét, cần tránh tiếp xúc với đất, nước có khả năng bị ô nhiễm; vết thương cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

Những người có bệnh nền cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

(Nguồn: Cục Y tế dự phòng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.