Xuất hiện 3 ca bệnh whitmore tại Thanh Hóa và Đắk Lắk

Liên Châu
Liên Châu
11/11/2022 11:54 GMT+7

Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận 2 trẻ em tại tỉnh Thanh Hóa và 1 người lớn tại Đắk Lắk mắc bệnh whitmore . Đây là bệnh khó chẩn đoán, tỷ lệ tử vong cao.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Bệnh viện Nhi T.Ư và hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã có báo cáo ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh whitmore, trong đó có 2 trường hợp là trẻ em tại TX.Nghi Sơn, H.Nông Cống (Thanh Hóa) và 1 trường hợp là người lớn tại H.Krông Pắc (Đắk Lắk).

Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) từng điều trị cho bệnh nhân nữ bị vi khuẩn gây bệnh whitmore tấn công và ăn mòn cánh mũi

MAI THANH

Cục Y tế dự phòng lưu ý, bệnh whitmore (tên gọi khác là bệnh melioidosis) là bệnh không thường gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, tỷ lệ tử vong cao, nhất là ở những đối tượng có nguy cơ cao. Môi trường bị ô nhiễm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, nên có thể tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc bệnh whitmore.

Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, làm sạch hoàn toàn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống chín…

Xuất hiện 3 ca bệnh whitmore tại Thanh Hóa và Đắk Lắk

Khó chẩn đoán

Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh whitmore là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomalle gây ra. Vi khuẩn B. pseudomallei sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bị nhiễm khuẩn B. pseudomallei. Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi khuẩn từ người sang người hoặc từ động vật sang người.

Tại Việt Nam, ca bệnh whitmore đầu tiên được ghi nhận vào năm 1925 tại Sài Gòn, sau đó xuất hiện rải rác ở một số địa phương.

Whitmore là bệnh không thường gặp, không lây lan thành dịch nhưng có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đặc biệt ở những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch...

Bệnh được điều trị bằng cách sử dụng các kháng sinh có nhạy cảm với các chủng B. pseudomallei và điều trị các triệu chứng, biến chứng kèm theo; đồng thời chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh whitmore.

Ngày 10.11, Cục Y tế dự phòng đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế 2 tỉnh Thanh Hóa và Đắk Lắk đề nghị chủ động phòng chống hiệu quả đối với bệnh whitmore trên địa bàn.

Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, đã ghi nhận một số ca bệnh whitmore nặng phải nhập viện điều trị dài ngày, trong đó có trường hợp nữ bệnh nhân bị vi khuẩn gây bệnh whitmore tấn công và ăn mòn cánh mũi.

Vi khuẩn gây bệnh whitmore

Tư liệu Bệnh viện bạch mai

Trong thời gian gần đây, tại một số địa phương có các trường hợp mắc bệnh whitmore và dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận thêm ở nhiều địa phương, nhất là tại các khu vực có điều kiện vệ sinh môi trường bị ô nhiễm, là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.