Bệnh Whitmore nguy hiểm thế nào mà đã có người tử vong?

Thiên Lan
Thiên Lan
14/11/2022 11:10 GMT+7

Bệnh Whitmore chủ yếu được tìm thấy ở vùng khí hậu nhiệt đới. Thường xảy ra nhất ở Thái Lan, Malaysia, Singapore và miền bắc Úc. Việt Nam cũng đã có một số ca bệnh Whitmore, trong đó có 1 ca tử vong vào cuối tuần qua.

Bệnh Whitmore còn gọi là Melioidosis, là một bệnh nhiễm khuẩn có thể nhiễm cả người và động vật. Bệnh do vi khuẩn có tên là Burkholderia pseudomallei gây ra.

Những vi khuẩn này có thể nhiễm vào nước hoặc đất.

Theo WebMD, người ta có thể mắc bệnh khi:

  • Hít phải nước hoặc bụi bị nhiễm
  • Uống hoặc ăn những thứ tiếp xúc với những nguồn bị nhiễm
  • Để da tiếp xúc với bụi bẩn hoặc nước bị nhiễm...

Bệnh Whitmore chủ yếu được tìm thấy ở vùng khí hậu nhiệt đới. Thường xảy ra nhất ở Thái Lan, Malaysia, Singapore và miền bắc Úc.

Shutterstock

Các triệu chứng của bệnh là gì?

Nhiễm Melioidosis có thể từ nhẹ đến rất nghiêm trọng. Người bệnh có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Có thể bị nhiễm trùng cục bộ ở một vùng nào đó trên cơ thể. Hoặc bệnh có thể ảnh hưởng đến phổi, mạch máu hoặc nhiều bộ phận cùng lúc. Nếu không được điều trị, nó có thể gây tử vong, theo WebMD.

Bởi vì có thể liên quan đến hầu hết mọi cơ quan, nó có thể bị nhầm với các bệnh khác, như bệnh lao hoặc viêm phổi.

Nhiễm trùng không có triệu chứng thường gặp ở động vật. Nhưng bệnh cũng có thể gây ra nhiều triệu chứng ở động vật tùy vào loại nhiễm trùng. Nó có thể lây nhiễm cho chó, mèo, cừu, dê, lợn, gia súc và ngựa.

Trường hợp nhiễm trùng ngoài da

Nhiễm trùng Melioidosis khu trú thường nhiễm trên da, có thể gây sốt, đau và sưng ở vùng bị nhiễm, áp xe chứa đầy mủ và lở loét.

Trong trường hợp nhiễm trùng phổi

Nhiễm trùng phổi có thể dẫn đến đau đầu, ho, tức ngực, sốt cao, chán ăn.

Nguy hiểm nhất là nhiễm trùng máu

Đặc biệt, các dấu hiệu của nhiễm trùng máu có thể bao gồm sốt, đau đầu, khó chịu ở bụng, khó thở, lú lẫn, đau khớp.

Khi nhiễm trùng lan rộng

Nhiễm trùng lan rộng có thể gây ra giảm cân, sốt, đau cơ hoặc khớp, đau bụng hoặc đau ngực, đau đầu, co giật, nhiễm vào hệ thần kinh trung ương hoặc não.

Các triệu chứng thường xuất hiện từ 2 - 4 tuần sau khi tiếp xúc với vi khuẩn. Nhưng các chuyên gia vẫn chưa xác định rõ khoảng thời gian từ khi phơi nhiễm đến khi có những dấu hiệu đầu tiên.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, nhiễm khuẩn hiếm gặp này có thể gây chết người và gây bệnh nặng. CDC Mỹ đã điều tra và xác nhận một số trường hợp bị bệnh hoặc chết sau khi gặp vi khuẩn ở Mỹ.

Những ai có nguy cơ mắc bệnh?

Ngay cả những người khỏe mạnh cũng có thể bị nhiễm bệnh. Nhưng những người có bệnh nền có nguy cơ bị nhiễm bệnh nặng cao hơn. Các bệnh làm tăng nguy cơ bao gồm:

  • Bệnh gan
  • Tiểu đường
  • Bệnh thận
  • Bệnh Thalassemia - một bệnh về máu do di truyền
  • Các bệnh phổi mạn tính như xơ nang, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và giãn phế quản
  • Ung thư

Những vi khuẩn này có thể nhiễm vào nước hoặc đất

Shutterstock

Bệnh lây truyền như thế nào?

Việc lây truyền bệnh từ người sang người khó xảy ra. Nhưng các chuyên gia đã tìm ra một vài trường hợp có thể lây truyền qua đường tình dục.

Nhiễm trùng cũng có thể lây sang trẻ sơ sinh qua sữa mẹ hoặc khi trẻ còn trong bụng mẹ, nhưng trường hợp này rất hiếm.

Bệnh lây từ động vật sang người cũng rất hiếm, mặc dù các nhà nghiên cứu đã xác định cá nước ngọt nhiệt đới là một nguy cơ có thể xảy ra, theo WebMD

Các nghiên cứu cho thấy vi khuẩn gây bệnh có thể sống nhiều tháng hoặc nhiều năm trong đất hoặc nước. Vi khuẩn có thể tồn tại trong nước có nồng độ muối cao, cũng như môi trường axit.

Nhưng một số chất khử trùng, như dung dịch nước muối 1%, cồn 70%, glutaraldehyde và formaldehyde, có thể loại bỏ một phần vi khuẩn.

Ánh sáng mặt trời và hơi nóng, đặc biệt là hơi nước nóng 121 độ C trong ít nhất 15 phút hoặc nhiệt khô ở 170 độ C trong ít nhất 1 giờ, cũng có thể giết chết vi khuẩn.

Nên làm gì để ngăn ngừa bệnh?

Để giảm nguy cơ nhiễm bệnh ở những nơi có dịch bệnh lan rộng:

  • Tránh tiếp xúc với đất và nước đọng, đặc biệt nếu có vết thương hở hoặc các yếu tố nguy cơ khác.
  • Mang ủng và găng tay để bảo vệ bản thân trong các hoạt động ngoài trời.
  • Rửa tay sau khi tiếp xúc với đất.
  • Băng vết đứt và vết xước bằng băng không thấm nước, theo WebMD.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.