Tại bếp ăn 0 đồng, thực đơn dành cho các em gồm 4 món thay đổi theo ngày và luôn có trái cây tráng miệng. Chỗ ngồi tươm tất, gia vị ăn kèm có đủ. Khoảng cách từ trường đến gian bếp chỉ cách một con đường nên hễ nghe tiếng trống là các cô chú liền vào thế chuẩn bị. Nhờ vậy, em nào tới là có liền cơm nóng.
Có khoảng 10 cô chú tình nguyện tham gia bếp ăn nghĩa tình này. Họ đã góp sức nhiều năm nên đa số học sinh đều biết tên để chào hỏi. Huỳnh Tấn Lộc (lớp 7A2, Trường THCS Lê Hồng Phong) bộc bạch: "Cha mẹ đi làm công nhân ở TP.HCM nên gửi em cho ngoại. Mỗi ngày đi học, nhờ những phần cơm này mà em ít phải xin tiền. Các cô chú ở đây rất thân thiện, yêu thương học sinh như con cháu mình".
Người khởi xướng và có công duy trì địa điểm nhân đạo này là ông Nguyễn Văn Tiến (41 tuổi, xã Tân Thành). Ông Tiến từng tu học, nấu cơm cháo từ thiện tại một số bệnh viện. Trăn trở trước nỗi vất vả của những gia đình nông thôn, năm 2018, ông quyết định mở bếp ăn từ thiện. "Ở quê, nhiều phụ huynh làm ruộng, ngoài mùa vụ chính còn đi làm thuê. Nếu các em học sinh ăn trưa ở đây thì họ sẽ bớt lo chuyện cơm nước, rộng thời gian đi làm hơn", ông Tiến chia sẻ.
Ngay từ đầu, việc này đã nhận được sự ủng hộ của UBND xã Tân Thành. Xã cho mượn hẳn nhà thông tin ấp Sơn Phú 2A (bỏ trống) để sửa sang làm bếp ăn. Hàng trăm triệu đồng được ông Tiến bỏ ra để làm mái che, cất nhà bếp, đổ bê tông mặt tiền cho học sinh đậu xe. Bếp ăn mở cửa từ thứ hai đến thứ sáu, phục vụ từ 5 - 12 giờ. Sáng sớm nấu cháo trắng ăn kèm muối tiêu, xá bấu cho người lao động nghèo. Buổi trưa chủ yếu phục vụ học sinh, thỉnh thoảng món cơm được đổi sang hủ tiếu, nui, bún chay.
Để có nồi cháo sớm, 3 giờ sáng bếp đã nổi lửa. Việc này có vài người đàn ông đảm nhận, còn nấu cơm cho học sinh thì lực lượng đông hơn. Gian bếp vui vì các cô chú đều là hàng xóm láng giềng với nhau. Các bà nội trợ phụ trách chế biến món ăn, còn cánh đàn ông thì hỗ trợ mài dao, vận chuyển rau củ.
Qua 6 năm hoạt động, bếp ăn đã giúp đỡ rất nhiều học sinh ở Trường tiểu học Kim Đồng và Trường THCS Lê Hồng Phong trên địa bàn. Ngoài ăn tại chỗ, nhiều em khó khăn còn được mang thức ăn về cho gia đình. Ông Trần Hoài Hận, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN xã Tân Thành, cho biết bếp ăn có rất nhiều ý nghĩa đối với học sinh, người bán vé số, công nhân làm hồ... Mỗi tháng, bếp hoạt động khoảng 22 ngày, tặng khoảng 3.000 phần cơm, cháo. Nhiều nhà hảo tâm hướng tấm lòng về bếp ăn này để đồng hành, hỗ trợ. Đảng ủy, UBND xã đã tuyên dương tập thể, cá nhân thực hiện mô hình nhằm khích lệ tinh thần, tiếp thêm động lực cho các cô chú duy trì hoạt động.
Bình luận (0)