Bếp ăn tình thương 25 năm chưa tắt lửa

09/02/2017 14:36 GMT+7

Gần 25 năm qua, bếp ăn tình thương thuộc Bệnh viện đa khoa Sa Đéc (TP.Sa Đéc, Đồng Tháp) đã trở thành địa chỉ quen thuộc cho những bệnh nhân và người nuôi bệnh có hoàn cảnh khó khăn.

Hằng ngày, bếp ăn mở cửa từ lúc 5 giờ sáng đến 18 giờ 30 phục vụ cháo, 2 bữa cơm trưa - chiều và nước sôi hoàn toàn miễn phí cho mọi người.
Ông Nguyễn Văn Mốt (78 tuổi), người sáng lập bếp ăn tình thương, cho biết ngày trước, nhiều lần đến bệnh viện, ông thấy nhiều người nghèo không có tiền mua cơm, phải kê tạm mấy cục gạch để nấu ăn nuôi người bệnh nên ông đã nảy ra ý định thành lập bếp ăn tình thương. Sau khi đề xuất lên ban giám đốc bệnh viện, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và vận động nguồn kinh phí nhiều nơi, bếp ăn tình thương đã chính thức thành lập vào tháng 7.1992.
Ngoài ban điều hành, hiện bếp ăn tình thương hoạt động dựa trên sự giúp đỡ của rất nhiều người đến từ các địa phương trong tỉnh để hỗ trợ nấu, phát cơm từ thiện. “Tôi gắn bó với bếp ăn này đã hơn 10 năm nay. Mặc dù phải thức khuya, dậy sớm để chuẩn bị nhưng chúng tôi đều cảm thấy vui vì đã giúp đỡ được bà con đang điều trị tại đây”, bà Nguyễn Thị Cơ (60 tuổi, ngụ H.Lai Vung) chia sẻ.
Điều đáng tự hào của những thành viên bếp ăn tình thương là bếp ăn chưa bao giờ “tắt lửa”. Trung bình mỗi ngày bếp ăn cung cấp từ 300 - 400 suất cháo, 1.400 - 1.500 suất cơm và 3.000 lít nước sôi. “Kinh phí hoạt động của bếp ăn tình thương hoàn toàn do mạnh thường quân trong và ngoài nước đóng góp. Mấy chục năm qua, bếp ăn đã trở thành địa chỉ nhân đạo quen thuộc, người cho tiền, người góp gạo, rau củ, mắm muối... giúp bếp ăn duy trì đến hôm nay”, ông Mốt cho biết.
Hiện bếp ăn đã xây dựng được cơ sở khang trang, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và hoạt động rất quy củ. Đến giờ phát cơm, bệnh nhân và người nhà đều xếp hàng chờ bên ngoài theo thứ tự, không hề diễn ra cảnh chen lấn hay giành giật. Bà Nguyễn Thị Phượng (57 tuổi, ngụ xã Phú Long, H.Châu Thành, Đồng Tháp) đang nuôi cha tại Bệnh viện đa khoa Sa Đéc, chia sẻ: “Nếu không có bếp ăn tình thương, những người nghèo như chúng tôi không biết làm sao trụ nổi. Nhờ đến đây xin cơm, cháo mà mỗi ngày tôi tiết kiệm được ít tiền, dành tiền mua thuốc, trả viện phí cho cha tôi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.