Từ những tài liệu mới trong sách Hoàng hậu Nam Phương qua một số tài liệu chưa công bố của NXB Tổng hợp TP.HCM, lần đầu tiên chúng ta mới biết đến việc có một cán bộ Việt Minh đã tìm cách tiếp cận cựu hoàng Bảo Đại, lúc ông quay về Đà Lạt.
Bằng cách nào? Một lá thư tay viết bằng chữ quốc ngữ trên 5 tờ giấy mỏng, bằng mực tím, ngoài bìa ghi tên người gửi là "cậu vợ" của Bảo Đại "để tránh sự kiểm duyệt" như chính người viết thư nói rõ trong thư.
Thư này được người của Bảo Đại tiếp nhận nhưng trước khi đệ trình, họ đã kiểm duyệt và ghi bằng bút chì màu đỏ trên góc trái hai từ viết tắt "V.M" - ngầm ý cho biết thư của Việt Minh.
"TÔI Ở BỘ THAM MƯU KHU 7"
Trong thư này, người viết không gọi Bảo Đại bằng từ "quốc trưởng" hoặc "cựu hoàng" mà "Kính gửi ông Vĩnh Thụy" ngay phía dưới dòng chữ "Việt Nam - Dân chủ -Cộng hòa. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc".
Lá thư này có đoạn: "Tôi không tin rằng một người, được hưởng một nền giáo dục cao quý, một hòn máu của những đại hoàng đế Thành Thái, Duy Tân, một thanh niên đã có một nền học vấn uyên thâm, đã đặt chân đến nhiều xứ lạ đã hái ở đấy bao kinh nghiệm, bao học hỏi lại có thể dị đoan được như ông.
Ông định đem lại hạnh phúc cho dân chúng đấy ư?
Ông định đem lại độc lập cho Tổ quốc đấy ư?
Đáng quý thật!
Nhưng định mà không làm được hay làm hỏng cũng đều ân hận cả.
Vậy ta hãy tránh những việc có thể tránh.
Ông hãy thử hỏi xem người Pháp có biết giao trả tự do cho dân tộc nào không đánh họ không?".
Sau khi phân tích tình hình các nước Ma Rốc, Tunisia đã thất bại vì chỉ đấu tranh bằng chính trị để cuối cùng "chỉ nhận được... nước bọt và chữ ký bằng mực đen trên giấy trắng", tác giả bức thư khẳng định chỉ có thể đấu tranh bằng võ lực. Trong thư này còn cho biết quân đội kháng chiến chống Pháp của ta: "Đã có tới 68 chi đội chính quy và hằng hà sa số… binh tự động với võ khí thô sơ hay thiếu thốn. Mỗi chi đội có 986 tay súng. Vậy thì kể trung bình Nam bộ VN có tới 70.000 tay súng… Ta có thể nói đấy là một đạo binh khổng lồ. Vì một xứ có 4 triệu dân mà có tới bấy nhiêu binh lính không phải nhỏ. Tình trạng này nếu cứ kéo dài mãi thì chỉ hai năm nữa quân đội Pháp sẽ hoàn toàn bất lực và tự để bị hắt ra khỏi VN. Về mặt Pháp, ông hẳn cũng thấy họ kiệt sức lắm rồi".
Không chỉ lớn mạnh về lực lượng, bức thư còn nêu một số thông tin tối mật của quân đội VN, có Ban võ khí: "Chỉ có 12 người với những dụng cụ thô sơ họ cũng có thể sản xuất mỗi ngày 100 viên đạn và một cây súng tiểu liên thanh… Họ có một sức sản xuất đáng sợ cho Pháp. Và mỗi khu lại có một xưởng võ khí lớn có thể đúc trọng pháo.
Tóm lại sự tranh thủ bằng võ lực đã tới chỗ thành công".
Người viết khẳng định công dân Vĩnh Thụy: "Hiểu rộng và thiết tha yêu giống nòi, ông đã có ý cách mạng từ khi còn là một hoàng đế… Tuy xa VN nhưng trên đường vô định (đúng với hành vi của ông) ông vẫn dùng chánh trị để gây thiện cảm cho Tổ quốc… Những kẻ mà ông gặp ở Hồng Kông hay Đà Lạt mà họ tự mang danh là chính khách chỉ là một hạng người không liêm sỉ".
Cuối bức thư này là dòng chữ "Bình đẳng chào ông".
Không rõ vì lý do gì, người viết không ghi cụ thể ngày tháng viết thư, dù có "ký tên không rõ" nên ta không thể có tên chính xác. Tuy nhiên, qua chi tiết "tái bút", ta biết bấy giờ Bảo Đại đang ở Đà Lạt và người viết thư hé lộ: "Tôi ở Bộ Tham mưu khu 7".
Với lời lẽ thẳng thắn, bộc trực trong thư, lại ở cương vị có thẩm quyền "thanh toán công vụ (tức thưởng phạt tướng quân)", chúng tôi đồ rằng người viết thư này gửi cho Bảo Đại chỉ có thể là Khu trưởng Khu 7, Tư lệnh bộ đội Nam bộ là trung tướng Nguyễn Bình. Hoặc ít ra lá thư này được viết theo chỉ đạo của ông. Những ai nghiên cứu kỹ cuộc đời binh nghiệp dữ dội, những hoạt động táo bạo của trung tướng Nguyễn Bình hẳn có thể nêu ra phát kiến gì thêm. (còn tiếp)
Bình luận (0)