Nam Phương hoàng hậu và những tư liệu chưa từng công bố

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
03/03/2023 07:06 GMT+7

Sách Hoàng hậu Nam Phương qua một số tư liệu chưa công bố (tác giả Phạm Hy Tùng, NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành) vừa ra mắt giúp độc giả hiểu rõ thêm diện mạo đích thực, loại bỏ nhiều nhận định thêu dệt lâu nay về hai nhân vật lịch sử Nam Phương hoàng hậu và Bảo Đại, trong một triều đại phong kiến VN nhiều thăng trầm.

"MINH OAN" CHO CỰU HOÀNG BẢO ĐẠI

Tư liệu mới công bố gồm 7 bức thư viết tại Pháp hoặc Sài Gòn, trong đó có 6 thư của bà Charles (mẹ nuôi Bảo Đại, vợ Khâm sứ Trung kỳ Charles), bà Agnès - chị ruột Nam Phương hoàng hậu, bà Nam Phương và 1 lá thư từ Pháp của thuộc hạ gửi cho cựu hoàng Bảo Đại trong khoảng thời gian từ tháng 8.1946 đến năm 1948. Còn lại hơn 80 lá thư khác viết tại Pháp của các nhân vật kể trên, cùng vài người viết cho cựu hoàng từ VN (giai đoạn 1949 - 1954).

Nam Phương hoàng hậu và những tư liệu chưa từng công bố - Ảnh 1.

Nam Phương hoàng hậu

CHỤP LẠI TỪ SÁCH

Một thực tế rõ ràng được mọi người thừa nhận là Nam Phương hoàng hậu (1913 - 1963) duyên dáng và xinh đẹp. Bà sinh ra trong một gia đình hai bên nội ngoại đều là những đại điền chủ giàu có bậc nhất xứ Nam kỳ (cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20). Ông ngoại của bà thường được gọi là Huyện Sĩ, chủ nhân khu thánh đường Nhà thờ Huyện Sĩ tráng lệ (hiện ở đường Tôn Thất Tùng, Q.1, TP.HCM). Vì vậy, một số nhà nghiên cứu trước đây cho rằng, cựu hoàng Bảo Đại lấy Marie-Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan chỉ vì muốn "đào mỏ", rồi một kẻ "nông cạn, ngây thơ, nhu nhược, thích ăn chơi hơn là quyền bính" - điều đó là oan cho ông.

Theo sách Hoàng hậu Nam Phương qua một số tư liệu chưa công bố, nội dung các bức thư thể hiện rõ sự giàu có, sở hữu nhiều tài sản đắt giá và tiền mặt của vua Bảo Đại. "Từ năm 1939, vua Bảo Đại đã sở hữu thêm nhiều biệt thự ở đại lộ Lambelle ở Paris, nơi vốn dĩ do vua cha thuê từ năm 1922 để ông ở trọ khi sang Pháp du học. Còn tòa lâu đài Thorenc ở Cannes đã được ông mua từ năm 1934", sách đã dẫn phân tích. Chưa kể ông còn có bất động sản ở Cannes, Paris, Colombo, Nice, Côte d'Azur và ở Ma Rốc (trong thư viết tắt là R - TN). Còn về phía Nam Phương Hoàng hậu, cho dù gia thế của bà có giàu có cỡ nào đi chăng nữa thì khi sắp được tiến cung, Marie-Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan cũng chỉ là cháu gái của nhà cựu phú Huyện Sĩ - tức thế hệ thừa kế thứ hai của đại phú Huyện Sĩ, đã qua đời trước đó đúng 1/3 thế kỷ, và lại là phận nữ nhi ngoại tộc. 

Nam Phương hoàng hậu và những tư liệu chưa từng công bố - Ảnh 2.

Bìa sách

NXB

Lá thư Hoàng hậu Nam Phương viết ngày 30.11.1950 càng chứng tỏ bà không có nhiều tiền và mọi chi tiêu đều phụ thuộc vào chồng: "Có người đang hỏi em, nếu để em đứng tên cái cơ ngơi ở R có phải tốt hơn không, và nếu mình bỏ ra 25 triệu để xây dựng lại và trang trí nội thất thì càng tốt. Tháng sau người ta cần đến để khai trương vào tháng giêng. Đây là điều rất phức tạp đối với em. Em không còn tiền, số tiền Mình đưa cho em khi ra đi đã cạn… Ngôi nhà này cũng khá nhưng phải sửa chữa lại và trang bị lại toàn bộ nội thất nên cần có sự chu cấp thêm của Mình và có lẽ sẽ hoàn thành trong vòng 3 tháng".

Việc Bảo Đại có tự biến mình thành con bài của Pháp, hay là người luôn biết lắng nghe, có thể nhận định qua bức thư đề ngày 23.11.1947 của thuộc hạ gửi cho nhà vua - trong đó đã phân tích thấu đáo, toàn diện và rõ ràng về chính trường Pháp lúc bấy giờ, đồng thời "hiến kế", thuyết phục Bảo Đại để ông lắng nghe, đi đến quyết sách: "Việc tôi phải làm lúc này là nắm bắt được tình hình cụ thể tâu trình với Bệ hạ và để hoạt động trong luồng dư luận. Cần phải có cả những người An Nam để làm những việc này. Ở đây có Bửu Lộc đang làm luật sư tại tòa án hoạt động rất tốt. Tốt hơn nữa còn có Đỗ Hương, tôi đoán hình như ông ta sắp đi làm việc ở Liên Hiệp Quốc thì phải. Nói chung có nhiều việc phải xem xét kỹ càng, không thể vội vã, vì nếu hấp tấp sẽ xảy ra nhiều vấn đề bất lợi. Khi nào đã nghiên cứu cẩn thận mọi việc, tôi sẽ gởi đến Ngài những đề nghị mà tôi cho là đúng đắn nhất, đồng thời sẽ trình bày với Ngài tại sao phải làm như vậy".

Nam Phương hoàng hậu và những tư liệu chưa từng công bố - Ảnh 3.

Thư Nam Phương hoàng hậu gửi cựu hoàng Bảo Đại

NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU THƯƠNG KÍNH MẸ CHỒNG

Trong hơn 70 bức thư công bố mà Nam Phương viết cho vua Bảo Đại, bà dành phần nhiều nhắc ông quan tâm đến người gặp khó khăn hoạn nạn, trẻ em mồ côi hay những láng giềng khi xưa ở Đà Lạt: "Mình cần hỏi thăm về tình hình tài chính của các bà sơ ở nhà thờ Thánh Vincent de Paul và nên trợ giúp họ trong việc nuôi trẻ mồ côi và trẻ sơ sinh tại đây. Chính phủ nên chi trợ cấp một khoản trợ cấp hàng năm để có thể nuôi sống các trẻ" (thư viết ngày 8.4.1955, bà đề nghị).

Đặc biệt, hoàn toàn không có câu chuyện "cơm không lành, canh không ngọt" giữa mẹ chồng Từ Cung và nàng dâu như một số thông tin thêu dệt. Thư đề ngày 14.1.1951, Hoàng hậu Nam Phương viết: "Mình yêu quý. Em lo ngại về tình hình sức khỏe của Mẫu hậu, có đúng là Bà đang mệt không?", hay thư ngày 7.5.1951: "Em đã nhận được thư Mình. Em rất mừng vì Mẫu hậu đã khỏe và đang ở bên cạnh Mình. Bên này trời không đẹp lắm".

Tới sinh nhật, ngày 17.11.1951, từ Cannes nhận được quà của bà Từ Cung và vua Bảo Đại, Nam Phương reo lên như trẻ thơ: "Nhờ Mẫu hậu và Mình nên hôm nay bà hầu phòng bất ngờ làm một chiếc bánh ngọt có gắn nến… Em vui sướng như đứa trẻ lên 10. Ngoài Mẫu hậu, chị Agnès và Mình ra, thì không ai biết sinh nhật của em ngày nào". Tới năm 1953, bà lại có thêm lá thư gửi cảm ơn vua Bảo Đại đã gửi điện tín chúc mừng sinh nhật mình và khoe việc các con tặng hoa, đây là minh chứng cho thấy việc ghi ngày sinh trên bia mộ bà ở Pháp (ngày 14.11) và các nguồn tài liệu khác là không chính xác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.