Sau nhiều tác phẩm thành công của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên về xứ sở sương mù, như: Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách (tản văn); Đà Lạt, bên dưới sương mù và đặc biệt là tập biên khảo công phu Đà Lạt, một thời hương xa (NXB Trẻ, tái bản 6 lần trong 5 năm), thì tác phẩm mới Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ vừa ra mắt có nội dung trải dài về lịch sử hình thành, phát triển Đà Lạt - từ khởi thảo đô thị cho đến thời kỳ hoàng kim văn hóa cùng nhiều dấu ấn quan trọng. Đây là cuốn sách thứ năm và cũng là công trình khảo cứu độc lập thứ ba của Nguyễn Vĩnh Nguyên viết về Đà Lạt.
|
Cuốn sách mới của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên kể về những cuộc gặp gỡ đặc biệt trong lịch sử của thành phố. Những cuộc gặp gỡ là cơ duyên làm nên Đà Lạt yêu dấu của bao người, làm nên một phần văn hóa, cốt cách, căn tính của một đô thị đúng nghĩa. Đó là cuộc gặp gỡ của hai người Pháp có công khai sinh thành phố, của những nông dân Pháp -Việt đầu tiên làm nên những nhà vườn, nông trại truyền thống; cuộc gặp những tao nhân mặc khách, những chính khách, quý tộc thượng lưu, những bác sĩ quốc tế, những nhà môi trường học, dân tộc học… Những câu chuyện này mang tới một hình ảnh khác, một hình dung mới, “những gì kiến tạo nên đời sống tinh thần hay giá trị sang cả” của thành phố cao nguyên mộng mơ.
Cùng với đó là cuộc gặp gỡ thú vị giữa thi sĩ Quách Tấn và Hàn Mặc Tử, đặc biệt hấp dẫn là câu chuyện gặp gỡ giữa Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương xinh đẹp mà cuộc tình của họ tốn biết bao nhiêu giấy mực của báo chí thời đó, hay giữa chính trị gia Doumer và nhà khoa học Yersin.., cùng những bài viết mô tả các biểu tượng kiến trúc, các hình thái sinh hoạt văn hóa, lần tìm các dấu tích… nhằm tái hiện những giá trị nhân văn của Đà Lạt.
|
|
|
Có thể nói tác phẩm Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ cùng với Đà Lạt, một thời hương xa và Đà Lạt, bên dưới sương mù đã làm nên một bộ ba khảo cứu kéo dài gần 10 năm mà tác giả đã đi tìm kiếm Đà Lạt theo một cách riêng, mở một lối đi khác biệt để khám phá, cảm nhận và thấu đạt nội tâm của một đô thị.
Bằng sự cẩn thận, tẩn mẫn và đầy công phu của mình, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên lục tìm các tư liệu quý ở Trung tâm lưu trữ Quốc gia 2 tại TP.HCM và Đà Lạt, bên cạnh tư liệu từ những cuốn sách và văn bản đã công bố, còn là những nghiên cứu cá nhân khách quan, Nguyễn Vĩnh Nguyên lại tiếp tục thành công trong bộ ba biên khảo đầy giá trị về Đà Lạt, nhờ vào một tinh thần làm việc rất công phu, nghiêm túc của nhà văn mê nghiên cứu.
|
Nói về công việc mình làm, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên chia sẻ đơn giản: “Đà Lạt mang một vẻ đẹp treo lơ lửng trước mắt chúng ta mà không bao giờ mình định nghĩa nổi… Thành phố còn rất nhiều điều cuốn hút, làm cho mình cảm thấy còn bị hấp dẫn, hút vào và đào sâu tìm hiểu. Nhưng để sống với một thành phố, không chỉ cần tình yêu mà còn cần trách nhiệm, sự gắn bó mang tính lý tính. Cuốn biên khảo là sự gắn bó lý tính hơn là tình yêu. Công việc lần về quá khứ, suốt ngày rị mọ với chồng hồ sơ… bắt nguồn từ chính sự thắc mắc, muốn hiểu, muốn đi sâu vào đời sống, tâm thức của một thành phố, đã đưa tôi vào một hành trình đầy những câu hỏi cũng cần một phương pháp lý tính để trả lời”.
Bình luận (0)