Hai tay máy hàng đầu Sài Gòn đã tạo ra bộ cẩm nang riêng cho những “nhiếp ảnh tài tử” khi đến với thành phố này.
Những cuộc viễn du
Sài Gòn cách Đà Lạt 300 km, nhưng với giới nhiếp ảnh Sài Gòn trước 1975, con đường lên cao nguyên là một cuộc viễn du giữa hai thế giới: từ đô thành oi bức nóng nực đến xứ lạnh êm đềm mát mẻ, từ thành phố huyên náo đến rừng thẳm hoang vu.
Nguyễn Cao Đàm và Trần Cao Lĩnh trong cuốn sách được xem là cẩm nang của giới nhiếp ảnh có tựa Bước đầu nhiếp ảnh nghệ thuật (Màn Ảnh ấn hành, 1966), đã ví các nhiếp ảnh gia Sài Gòn lên Đà Lạt săn ảnh vào mùa hoa đào nở hằng năm như là đi “trẩy hội”.
Núi rừng cao nguyên Đà Lạt đã thực sự làm nên chất men say khó cưỡng đối với những nhà nhiếp ảnh miền xuôi. Đó là lý do mà hai nhiếp ảnh gia này dành riêng một phần có tên Cao Nguyên trong cuốn sách trên để truyền đạt kinh nghiệm.
Điều hấp dẫn các tay máy Sài Gòn, theo ông Trần Cao Lĩnh, đó trước hết là văn hóa bản địa. Ông xem những người Thượng trong thành phố buổi sớm, gặp trên đường về Dran hay lối ra đèo Ngoạn Mục trong phút chốc trở thành “người mẫu sơn cước” chẳng khác gì “món quà quý từ trời rớt xuống”: “Những người mẫu này quý giá vô cùng cho tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật vì họ có một sức ăn ảnh lạ lùng, riêng một nước da màu nâu sạm với cặp mắt rất động, lúc quắc lên nhớn nhác, khi nhíu lại lầm lì, cũng đủ là linh hồn cho những bức chân dung tuyệt đẹp. Người mẫu dùng làm Chủ Đề ấy lại nằm sẵn trong bối cảnh phù hợp là núi đồi hoang dại thì người mang máy dù vô tình đến đâu cũng không thể để máy nằm yên trong bao da”.
Ông chia sẻ kinh nghiệm làm sao để họ chịu làm mẫu chụp ảnh tự nhiên (khi họ chưa có khái niệm diễn xuất trước ống kính). Tặng họ điếu thuốc, cái bật lửa, trò chuyện thân thiện là một cách “lấy lòng” mà người bản địa rất thích. Thế nên lúc bấy giờ đi săn ảnh Đà Lạt, các tay máy dù không ghiền thuốc lá cũng phải chuẩn bị trong túi áo một bao thuốc để dùng cho những cuộc gặp gỡ không hẹn.
|
Khói sương ngày cũ
Trần Cao Lĩnh (1925 - 1989) được biết đến là một giáo sư giảng dạy bộ môn nhiếp ảnh tại Đại học Vạn Hạnh và Hội Việt Mỹ trước 1975. Ông có tác phẩm triển lãm và đoạt các giải thưởng lớn tại Anh, Canada, Mỹ…; được xem là nhà nhiếp ảnh tiên phong của nhiếp ảnh Việt Nam.
Người bạn nghề đứng tên chung với ông trong nhiều cuốn sách về nhiếp ảnh - Nguyễn Cao Đàm (sinh 1916, Hà Đông - mất 2001, Úc) cũng là nhà nhiếp ảnh quan trọng của miền Nam. Một thời, tác phẩm ông Đàm xuất hiện trong những triển lãm ảnh ở Bỉ, Pháp, Hồng Kông, Nhật, Tây Ban Nha… và từng được vinh danh trong các giải thưởng nhiếp ảnh tại Đức, Ấn Độ, Ý… Đây cũng là nhiếp ảnh gia Việt Nam được mời làm giám khảo các cuộc thi ảnh quốc tế ở Singapore, Tây Ban Nha và tại Sài Gòn từ 1950 - 1975. Hiệp hội Nhiếp ảnh gia Đông Nam Á (Hon S.E.A.P.S.) và Hội Nhiếp ảnh Bỉ (Hon F.Kortrijk) đã mời ông làm hội viên danh dự. Ngoài ra, ông Đàm cũng là hội viên chính thức của Hội Nhiếp ảnh Hoàng gia Anh (A.R.P.S.).
Bằng những bức ảnh, hai ông truyền đến người xem cái không khí thơ mộng, hư ảo và ngập tràn hoài niệm: “Có những buổi sớm, sương phủ kín cả đường phố, trong thung lũng thì dày đặc. Muốn chụp gần, ta tìm mấy con đường vòng ven hồ, đường ra Cam Ly, mấy chiếc cầu trắng dẫn đến chợ, chọn góc cạnh trước, để máy và chờ người đi lại, tha hồ ta thu hình. Mấy chiếc xe ngựa, người quảy gánh, nữ sinh đi học, bà phước đi lễ, người Thượng ra chợ, mỗi loài có một tính chất riêng trong sương mờ buổi sớm” (trích trong Bước đầu nhiếp ảnh nghệ thuật).
Hai ông đã mang vẻ đẹp sương khói Đà Lạt, mang cả sự rung động trước vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng của miền đất lạnh đến với nhiều người.
Ngoài cuốn sách cẩm nang nhiếp ảnh kể trên, Nguyễn Cao Đàm và Trần Cao Lĩnh còn có tập ảnh Cao Nguyên - Việt Nam quê hương yêu dấu (Gấm Hoa, 1969) với hơn 85 bức ảnh đen trắng nghệ thuật được ghi chép phần nhiều trong những chuyến lên miền cao nguyên Đà Lạt.
Bình luận (0)