Đà Lạt một lịch sử hoài niệm: Niềm tự hào về một danh đô

02/09/2020 06:57 GMT+7

Người Pháp và người Việt sống ở Đà Lạt tuy là hai không gian sinh hoạt riêng theo phân khu quy hoạch, song họ gặp gỡ nhau ở giao điểm tinh thần: những người tha hương.

Cho đến thời Hoàng triều cương thổ, khi quyền lực chính trị chuyển dịch vào tay người Việt qua giải pháp chính trị Bảo Đại, niềm hãnh diện được làm cư dân của một danh đô mới được khởi sự trong tinh thần người Đà Lạt...

Giao điểm của những thị dân mới

Giữa lúc đó, có một cuộc gặp gỡ hài hòa trong tâm thức những cư dân Pháp và Việt giữa buổi bình minh trên thành phố này, là sự tương thông của những kẻ tha hương. Những va chạm quyền lợi sớm được xử lý hài hòa (dĩ nhiên, một phần là bởi những thúc đẩy của lịch sử) nhờ cái sự tương thông ấy. Khu phố của người Pháp (đường Trần Hưng Đạo, Trần Phú kéo qua Huỳnh Thúc Kháng nay), theo đó là nếp sinh hoạt của người Pháp đã giữ được tính biệt lập cần thiết. Những khu phố người Việt, Hoa, Ấn - khu giao lưu buôn bán quanh quảng trường chợ cũng phát triển sầm uất. Nếp văn minh doanh thương hình thành.
Người Việt giúp việc cho các gia đình Pháp, những công chức làm cho chính quyền Pháp cũng học lấy những nếp văn minh phương Tây để tu sửa nếp sống cộng đồng mình, từ vệ sinh, cách cư xử cho đến tư duy thụ hưởng các giá trị tinh thần. Điều đó cũng giúp thế hệ những người Việt cần lao đầu tiên hài hòa với chính con em họ, khi thế hệ tiếp theo được sinh trưởng trong cái nôi của giáo dục kiểu Pháp tại các ngôi trường Lycée Yersin, Couvent des Oixeaux, d’Adran...
Với một lịch sử đô thị (theo mô thức phương Tây) phát triển muộn, Đà Lạt cũng như các thành phố khác trên khắp Việt Nam, cư dân đa số là người nhập cư từ nông thôn. Đà Lạt có yếu tố đặc tuyển hơn, là thành phố nghỉ dưỡng dành cho giới thượng lưu, nên lớp cư dân tư sản, trung lưu từ miền Bắc, Trung, Nam nhập cư khá lớn. Các cuộc di dân để khai phá đất, mở làng làm nông nghiệp như Tân Lạc (1930), Hà Đông (1938), Nghệ Tĩnh (1940 - 1942) cho đến cuộc đại di dân sau 1954..., người dân được đưa vào theo nhóm, có chương trình cụ thể. Cư dân nông nghiệp thuần nhất, mang theo tinh hoa hương sắc của cố xứ để điểm tô quê hương mới. Mỗi ấp giữ hương ước và tập tục, nền nếp sinh hoạt đặc trưng và ký ức về gốc gác.
Trong niềm hoài nhớ quê nhà, người Việt mang cả món ăn quê nhà, từ mì Quảng, bún bò và bánh trái xứ Huế, phở từ Bắc bộ lên cao nguyên, kết hợp với rau quả ôn đới nơi đây để tạo nên những món quê “kiểu Đà Lạt”. Mì Quảng, bún bò, bún riêu hay phở Đà Lạt từ đó đã mang phong cách riêng. Và có vẻ phần nào tương thông với nỗi hoài niệm của những người Pháp, vào đầu thập niên 1940, giữa Đà Lạt còn có tiệm bánh ngọt kiểu Pháp do một người chủ Việt gốc Bắc mở. Điều này được Beaucarnot ghi lại trong bút ký. Tiệm bánh tên là Pâtisserie Dauphinoise, chuyên làm bánh mille-feuilles - một dạng bánh kem nhiều lớp của Pháp. Tiệm bánh đóng cửa vào năm 1945, lúc Nhật chiếm đóng (theo khảo cứu của Eric T. Jennings).

Niềm tự hào về một danh đô

Nhưng cao điểm của niềm tự hào ở người Việt nhập cư Đà Lạt sớm không phải là những giá trị văn hóa Pháp mang lại, vì dẫu sao cũng thật khó để đặt mình vào khung cảnh đời sống của người Pháp thượng lưu trong cùng một thành phố, mà là thời Hoàng triều cương thổ. Tính chất “trung tâm” của Đà Lạt được thừa nhận trong một giải pháp chính trị đoản mệnh với nhân vật đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại. Hoàng triều kéo dài trong khoảng 1950 đến 1955, lúc bấy giờ chọn Đà Lạt là danh đô với thiết kế chính quyền riêng, khá hoàn chỉnh.
Tính chất thủ đô của một khoanh vùng chính trị chưa thật quy mô bền chắc, tuy nhiên, một lần nữa, một chút hào quang đã lóe rạng trong tâm hồn thị dân nơi đây, nhất là những gia đình có người làm công chức trong Văn Võ phòng Quốc trưởng hay chí ít là tham gia đội Ngự lâm quân. Lần này, 5 năm cho một giấc mộng chóng qua, ở đó người Đà Lạt vừa kịp nhận diện quê hương này là “đất vua chọn”. Người Đà Lạt cũng kịp thấy những cố vấn người Pháp làm trong chính quyền Hoàng triều hoặc công sở của hoàng gia, như Léo Lossert, Boyeaux...
Tư thế tự cường về một vùng đất danh đô đi cùng tư thế tự cường về phương diện chính trị của “giải pháp Bảo Đại” sau nhiều năm thuộc địa.
Dẫu ít ai biết rằng, điều đáng tự hào ấy, cũng tựa “phù vân”: những tấm băng rôn khẩu hiệu “Toàn dân Đà Lạt cung chúc Đức Quốc trưởng Bảo Đại vạn tuế” vừa được căng lên ở quảng trường trung tâm của thủ đô Hoàng triều cương thổ hôm trước, thì hôm sau đã được thay thế bằng những biểu ngữ của cuộc đảo chánh “Đả đảo, phế truất Bảo Đại”.
Một khúc quanh chính trị mới, một mặt thúc đẩy bánh xe lịch sử nhoài về phía trước, nhưng cũng gợi ra tâm thức “bãi bể nương dâu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.