Bí ẩn 'công ty ma' mua bán cây trong vụ án thứ 4 liên quan ông Nguyễn Đức Chung

03/04/2023 14:05 GMT+7

Để "rút ruột" ngân sách, các bị can tại Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội (viết tắt là Công ty Cây xanh) câu kết với đơn vị cung cấp cây về việc nâng khống giá đầu vào, từ đó lấy tiền chênh lệch chia nhau.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 15 bị can trong vụ án liên quan đến việc trồng cây xanh trên địa bàn Hà Nội.

Trong số này có ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội; Vũ Kiên Trung, cựu Chủ tịch Công ty Cây xanh; Nguyễn Xuân Hanh, cựu Tổng giám đốc Công ty Cây xanh; Nguyễn Tuấn Nghĩa, cựu Giám đốc Công ty TNHH Vì Nhân Dân (viết tắt là Công ty Vì Nhân Dân)…

Đây là vụ án thứ 4 cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ông Chung đang thi hành tổng cộng 12 năm tù tại 3 vụ án chiếm đoạt tài liệu mật, mua sắm chế phẩm Redoxy-3C và can thiệp đấu thầu tại Sở KH-ĐT TP.Hà Nội.

Theo kết luận điều tra, công tác trồng cây xanh trên địa bàn TP.Hà Nội là dịch vụ công ích, phải thực hiện theo hình thức đấu thầu. Tuy nhiên, với tư cách Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, ông Chung đã can thiệp, chỉ đạo chuyển sang hình thức đặt hàng. Công ty Cây xanh là một trong những đơn vị được "chọn mặt gửi vàng".

3 lần nhận tiền 'thổi giá' cây xanh - Ảnh 1.

Bị can Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, trong một phiên tòa

PHÚC BÌNH

3 lần nhận tiền nâng khống 17 tỉ đồng

Từ năm 2016 - 2019, Công ty Cây xanh được Ban Duy tu (Sở Xây dựng TP.Hà Nội) đặt hàng 10 hợp đồng, trồng hơn 41.000 cây xanh. Công ty Cây xanh chỉ định công ty của Nguyễn Tuấn Nghĩa là đơn vị cung cấp cây. Với mục đích "rút ruột" tiền ngân sách, 2 bên thông đồng, thỏa thuận trước về số lượng, chủng loại, đơn giá, ký khống hợp đồng, nâng giá đầu vào…

Tài liệu điều tra cho thấy, trong số cây bị can Nghĩa bán cho Công ty Cây xanh, một lượng lớn không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bị can còn nhờ nhiều người thân quen đứng tên thành lập các hộ kinh doanh cá thể. Sau khi nhập cây, bị can Nghĩa thông qua các hộ kinh doanh này xuất hóa đơn cho Công ty Cây xanh, nhằm hợp thức việc nâng giá đầu vào.

Do đã thỏa thuận từ trước, sau khi được Công ty Cây xanh thanh toán tiền mua cây, bị can Nghĩa 3 lần chuyển lại tiền chênh lệch cho Nguyễn Xuân Hanh với tổng cộng 17 tỉ đồng.

Trong đó, lần 1 vào khoảng đầu năm 2018, bị can Nghĩa chuyển 9 tỉ đồng tiền mặt cho bị can Hanh tại nhà hàng Năm cửa ô do Nghĩa làm chủ, ở cuối đường Láng - Hòa Lạc (Hà Nội). Lần 2, khoảng đầu năm 2019, bị can Nghĩa tiếp tục chuyển 6 tỉ đồng tiền mặt cho bị can Hanh tại bên ngoài Agribank chi nhánh Hòa Lạc. Lần 3, khoảng trước tết âm lịch năm 2020, bị can Nghĩa chuyển nốt 2 tỉ đồng cho phía Công ty Cây xanh.

Những lần nhận tiền, Vũ Kiên Trung đều biết, đồng thời chỉ đạo trích một phần tiền cho một số cán bộ chủ chốt của công ty. Trong đó, bị can Trung hưởng lợi bất chính 1,5 tỉ đồng; bị can Hanh hưởng lợi bất chính 600 triệu đồng.

Đặc biệt, bị can Trung khai rằng, vào các dịp lễ, tết từ năm 2016 - 2018, bị can nhiều lần đưa cho ông Nguyễn Đức Chung tổng số tiền 2,6 tỉ đồng để cảm ơn đã tạo điều kiện giúp công ty được thực hiện dịch vụ cây xanh. Tuy nhiên, ông Chung phủ nhận, nói không nhận bất cứ một khoản tiền nào.

Ngoài số tiền chênh lệch đã chuyển lại cho bị can Hanh, Nguyễn Tuấn Nghĩa còn khai, từ việc nâng khống giá cây bán cho Công ty Cây xanh giai đoạn 2016 - 2019, bị can này được hưởng lợi hơn 10 tỉ đồng, đến nay đã nộp lại để khắc phục hậu quả.

3 lần nhận tiền 'thổi giá' cây xanh - Ảnh 2.

Bị can Vũ Kiên Trung, cựu Chủ tịch Công ty Cây xanh

CÔNG AN CUNG CẤP

Bí ẩn "công ty ma" mua bán cây hàng chục tỉ đồng

Vẫn theo kết luận điều tra, từ năm 2016 - 2019, Xí nghiệp Cây xanh Hà Nội (trực thuộc Công ty Cây xanh) ký 32 hợp đồng mua bán cây xanh với Công ty TNHH thương mại dịch vụ xây dựng kiến trúc cảnh quan và trồng cây cảnh Sa Đéc (viết tắt là Công ty Sa Đéc). Công ty Sa Đéc đã xuất 109 hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT), tổng giá trị hơn 61 tỉ đồng, đã thanh toán hơn 50 tỉ đồng, còn nợ hơn 11 tỉ đồng.

Cơ quan công an tiến hành điều tra về Công ty Sa Đéc, kết quả cho thấy bà Hồ Thị Kim Sa, Giám đốc Công ty Sa Đéc, giai đoạn 2016 - 2019 đã chết. Hiện nay, công ty do ông Hồ Thanh Hùng làm giám đốc, người đại diện pháp luật.

Tuy nhiên, ông Hùng cho hay không biết gì về Công ty Sa Đéc, không biết bà Sa là ai, không liên quan gì đến hoạt động của công ty. Ông Hùng hiện đang là huấn luyện viên võ thuật, từng bị mất CMND. Tại trụ sở Công ty Sa Đéc, cơ quan chức năng không thấy treo biển hoạt động kinh doanh, không ai biết công ty.

Tương tự, theo hồ sơ thể hiện, bà Dương Thị Huyền làm kế toán trưởng Công ty Sa Đéc. Thế nhưng, làm việc với cơ quan chức năng, bà Huyền khai không biết gì về Công ty Sa Đéc, chưa bao giờ làm kế toán cho bất kỳ công ty nào. Năm 2012, bà từng đánh mất CMND, có thể do người khác nhặt được và sử dụng để đăng ký.

Công an cũng làm việc với ông Trần Châu Anh Thi, người từng rút tiền một lần từ tài khoản Công ty Sa Đéc sau khi Xí nghiệp Cây xanh Hà Nội chuyển tiền. Kết quả cho thấy ông Thi làm nghề chạy xe ôm công nghệ, không biết gì về Công ty Sa Đéc, được người khác nhờ rút tiền hộ.

Hay như ông Lê Xuân Đạo, người đứng tên rút tiền 3 lần từ tài khoản Công ty Sa Đéc sau khi Xí nghiệp Cây xanh Hà Nội chuyển tiền, kết quả xác minh cho thấy ông Đạo đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài từ năm 2014. Gia đình không biết lý do tại sao ông lại có tên thể hiện rút tiền từ tài khoản của Công ty Sa Đéc trong năm 2018.

Cơ quan điều tra kiến nghị Cục thuế TP.HCM xem xét xử lý theo quy định đối với Công ty Sa Đéc vì không hoạt động tại trụ sở đăng ký kinh doanh, giám đốc và kế toán trưởng không phải là người đứng tên trên đăng ký kinh doanh.

Ngoài Công ty Cây xanh, từ năm 2016 - 2019, Ban Duy tu còn đặt hàng 6 hợp đồng với Công ty TNHH Phát triển Sinh Thái Xanh do Bùi Văn Mận làm giám đốc, trồng và di chuyển hơn 868.000 cây xanh.

Với mục đích nâng cao lợi nhuận, rút tiền ngân sách để chia nhau chiếm hưởng, bị can Mận câu kết cùng lãnh đạo Công ty TNHH Phát triển Sinh Thái Xanh và nhờ các đơn vị, hộ kinh doanh ký hợp đồng, xuất hóa đơn giá trị giá tăng với số lượng và giá cây đã được nâng khống.

Kết quả xác định thiệt hại xảy ra tại 4 hợp đồng trồng cây với tổng số tiền hơn 17,7 tỉ đồng; hợp đồng thiệt hại thấp nhất là 335 triệu đồng, cao nhất hơn 10,3 tỉ đồng.

Trong số tiền thu lợi bất chính nêu trên, bị can Mận và Hoàng Thị Kim Loan, cựu Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Sinh Thái Xanh, chia nhau mỗi người 6,5 tỉ đồng. Bị can Mận còn khai trích hơn 1,2 tỉ đồng để trồng cây tại nhà cha mẹ ông Nguyễn Đức Chung, tại một trường học ở Phú Thọ để ông Chung dùng danh nghĩa cá nhân tài trợ. Tuy nhiên, ông Chung phủ nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.