Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 15 bị can, bao gồm ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, ở vụ án liên quan đến việc trồng cây xanh trên địa bàn Hà Nội.
Trong số này, ông Nguyễn Đức Chung là người duy nhất bị đề nghị truy tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đây là vụ án thứ 4 cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ông Chung đang thi hành tổng cộng 12 năm tù tại 3 vụ án chiếm đoạt tài liệu mật, mua sắm chế phẩm Redoxy-3C và can thiệp đấu thầu tại Sở KH-ĐT TP.Hà Nội.
3 bị can Vũ Kiên Trung, cựu Chủ tịch Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội (Công ty Cây xanh); Bùi Văn Mận, cựu Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Sinh Thái Xanh (Công ty Sinh Thái Xanh) và Nguyễn Tuấn Nghĩa, cựu Giám đốc Công ty TNHH Vì Nhân Dân, cùng bị cáo buộc tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Riêng bị can Nghĩa còn bị đề nghị truy tố thêm tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.
Giám đốc 'trốn nợ' Bùi Văn Mận đã trả ơn ông Nguyễn Đức Chung thế nào?
Theo kết luận điều tra, công tác trồng mới, thay thế cây xanh trên địa bàn TP.Hà Nội từ năm 2016 - 2019 là dịch vụ công ích; việc lựa chọn nhà thầu thực hiện phải áp dụng theo hình thức đấu thầu.
Tuy nhiên, sau khi được bổ nhiệm Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, ông Chung đã trực tiếp can thiệp, chỉ đạo toàn diện công tác trồng cây xanh, bao gồm việc đặt hàng thay vì đấu thầu. Hai đơn vị được đặt hàng là Công ty Cây xanh và Công ty Sinh Thái Xanh.
Quá trình thực hiện, với mục đích "rút ruột" ngân sách, các bị can tại Công ty Cây xanh câu kết với các bị can tại Công ty Sinh Thái Xanh và Công ty TNHH Vì Nhân Dân để nâng khống giá đầu vào các loại cây, từ đó gây thiệt hại hơn 34 tỉ đồng.
Không đủ năng lực vẫn được đặt hàng trồng gần 900.000 cây xanh
Các bị can Bùi Văn Mận và Nguyễn Đức Chung quen nhau từ giai đoạn 2013 - 2014, thông qua việc ông Mận từng trồng cây cho gia đình ông Chung. Tháng 6.2016, khi đang trốn nợ ở Lâm Đồng, ông Mận được ông Chung gọi về thực hiện các dự án trồng cây cho UBND TP.Hà Nội. Ông Mận sau đó thành lập Công ty Sinh Thái Xanh.
Tài liệu điều tra cho thấy, Công ty Sinh Thái Xanh chỉ vừa mới thành lập, không có thiết bị máy móc, không có đội ngũ kỹ sư, hồ sơ năng lực lập khống... Dù vậy, từ năm 2016 - 2019, công ty này vẫn được Ban Duy tu thuộc Sở Xây dựng TP.Hà Nội đặt hàng 6 hợp đồng, trồng và di chuyển hơn 868.000 cây xanh.
Với mục đích nâng cao lợi nhuận, rút tiền ngân sách để chia nhau chiếm hưởng, ông Mận câu kết cùng lãnh đạo Công ty Sinh Thái Xanh và nhờ các đơn vị, hộ kinh doanh ký hợp đồng, xuất hóa đơn giá trị giá tăng với số lượng và giá cây đã được nâng khống.
Ví dụ, cây keo có giá mua từ 700 - 1.800 đồng/cây được nâng khống lên 9.000 đồng/cây; cây long não có giá mua 3,8 triệu đồng/cây được nâng khống lên 8,2 triệu đồng/cây; cây sộp có giá mua khoảng 13 triệu đồng/cây được nâng khống lên 32 triệu đồng/cây...
Để hợp thức việc nâng giá và hoàn thiện hồ sơ thanh, quyết toán, các bị can tại Công ty Sinh Thái Xanh còn thông đồng với nhóm cán bộ, nhân viên tại Ban Duy tu và công ty thẩm định giá.
Kết quả xác định thiệt hại xảy ra tại 4 hợp đồng trồng cây với tổng số tiền hơn 17,7 tỉ đồng; hợp đồng thiệt hại thấp nhất là 335 triệu đồng, cao nhất hơn 10,3 tỉ đồng.
Trong số tiền thu lợi bất chính nêu trên, ông Mận và bà Hoàng Thị Kim Loan, cựu Phó tổng giám đốc Công ty Sinh Thái Xanh, chia nhau mỗi người 6,5 tỉ đồng. Ông Mận khai trích hơn 1,2 tỉ đồng để trồng cây tại nhà cha mẹ ông chung, tại một trường học ở Phú Thọ để ông Chung dùng danh nghĩa cá nhân tài trợ. Tuy nhiên, ông Chung phủ nhận.
Nâng khống giá cây rồi chuyển tiền để chia nhau
Ngoài Công ty Sinh Thái Xanh, từ năm 2016 - 2019, Ban Duy tu còn đặt hàng Công ty Cây xanh thực hiện 10 hợp đồng, trồng hơn 41.000 cây xanh.
Theo chỉ đạo của ông Vũ Kiên Trung và ông Nguyễn Xuân Hanh, Phó tổng giám đốc Công ty Cây xanh, chỉ định Công ty TNHH Vì Nhân Dân là đơn vị cung cấp cây, nhằm thực hiện các hợp đồng đặt hàng trồng cây cho UBND TP.Hà Nội.
Quá trình mua bán, hai bên thông đồng, thỏa thuận trước về số lượng, chủng loại, đơn giá và địa điểm trồng cây; ký khống hợp đồng, nâng giá cây đầu vào cao hơn giá trị thực tế một số chủng loại cây (chà là, bàng lá nhỏ…).
Cũng giống sai phạm liên quan đến Công ty Sinh Thái Xanh, việc nâng giá cây giữa Công ty Cây xanh và Công ty TNHH Vì Nhân Dân còn có sự tiếp tay của cán bộ Ban Duy tu, nhân viên công ty thẩm định giá.
Trong số 10 hợp đồng, cơ quan điều tra xác định thiệt hại xảy ra tại 7 hợp đồng đã được quyết toán. Hợp đồng thiệt hại thấp nhất là 237 triệu đồng, cao nhất là hơn 5,7 tỉ đồng.
Sau khi được thanh toán tiền mua cây, ông Nghĩa chuyển lại cho ông Hanh tổng cộng 17 tỉ đồng. Số tiền này, ông Trung chỉ đạo trích 4,7 tỉ đồng chia cho một số cán bộ nhân viên chủ chốt của Công ty Cây xanh, còn lại sử dụng chi phí quan hệ ngoài sổ sách.
Đặc biệt, cựu Chủ tịch Công ty Cây xanh khai rằng, vào các dịp lễ, tết từ năm 2016 - 2018, bị can nhiều lần đưa cho ông Nguyễn Đức Chung tổng số tiền 2,6 tỉ đồng để cảm ơn đã tạo điều kiện giúp công ty được thực hiện dịch vụ cây xanh. Làm việc với cơ quan điều tra, ông Chung khẳng định không nhận bất cứ một khoản tiền nào.
Vẫn theo lời khai của bị can Trung, tại các cuộc họp giao ban của TP.Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung thường xuyên mắng chửi, gây áp lực bằng việc yêu cầu phải trồng cây thật nhanh và đúng ý của mình, nếu không sẽ cách chức hoặc đuổi việc.
Mặc dù nhận thức việc đặt hàng cây xanh thay vì đấu thầu là không đúng, nhưng ông Trung vẫn phải thực hiện vì ông Chung là cấp trên. Ngoài việc chỉ đạo tại các cuộc họp, ông Chung còn thường xuyên gọi điện thoại để hỏi tình hình, yêu cầu Công ty Cây xanh thực hiện việc trồng cây theo đúng ý của ông Chung…
Xem nhanh 20h ngày 1.4: Lời khai giám đốc sát hại kế toán | Thực hư bà bán nem du lịch châu Âu
Bình luận (0)