Ngày 24.1, Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên tuyên bố sẽ tiếp tục phóng tên lửa và thử hạt nhân, theo hãng thông tấn KCNA, nhằm phản ứng nghị quyết trừng phạt mở rộng của HĐBA LHQ liên quan tới cuộc phóng tên lửa đẩy vệ tinh hồi tháng 12.2012. Đến nay, liên tục xuất hiện đồn đoán về thời điểm Bình Nhưỡng sẽ tiến hành thử hạt nhân lần 3, chẳng hạn như ngày 16.2 (sinh nhật nhà lãnh đạo Kim Jong-il) hoặc ngày 25.2, thời điểm Tổng thống đắc cử của Hàn Quốc Park Geun-hye nhậm chức.
|
Bên cạnh đó, giới tình báo Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ liên tục đưa ra thông tin chưa được kiểm chứng về các hoạt động chuẩn bị tại các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Mới đây nhất, Yonhap dẫn nguồn tin chính phủ Hàn Quốc cho hay, nhiều hoạt động đang diễn ra tại một đường hầm ở bãi thử Punggye-ri. Nguồn tin này nói: “Tại một đường hầm ở khu nam của vị trí thử hạt nhân thuộc Punggye-ri, chúng tôi thấy công việc chuẩn bị đã đi vào giai đoạn cuối”. Trước đó, một số nguồn tin của Seoul ngày 1.2 cho hay Bình Nhưỡng đã che chắn lối vào đường hầm phía tây của Punggye-ri để ngăn chặn theo dõi.
Dấu hiệu được lặp lại
Triều Tiên đã 2 lần tiến hành thử hạt nhân vào các năm 2006 và 2009 tại Punggye-ri nhưng không công bố chi tiết. Khi đó, cũng xuất hiện thông tin về các hoạt động chuẩn bị tương tự như những ngày qua, bao gồm đào đường hầm vào sâu trong lòng núi, che chắn cửa hầm và xây đài quan sát. Vụ thử năm 2009 cũng diễn ra sau khi Bình Nhưỡng bị cáo buộc phóng tên lửa tầm xa, theo BBC.
Hầu hết các chuyên gia nước ngoài đều cho rằng chắc chắn một vụ thử hạt nhân mới nếu có vẫn sẽ được tiến hành tại Punggye-ri, theo Yonhap. Cơ sở này nằm ở tỉnh Bắc Hamgyeong, có 3 lối vào hầm sâu trong núi và nhiều tòa nhà hỗ trợ đa năng. Nơi đây cũng được cho là địa điểm đặt Trung tâm huấn luyện về vũ khí hạt nhân do Liên Xô giúp Triều Tiên thành lập vào tháng 1.1958, theo website an ninh Global Security. Khá biệt lập, ít dân cư và gần bờ biển đông bắc Triều Tiên, Punggye-ri là một trong những địa điểm bí ẩn nhất thế giới. Hầu như chưa có thông tin chính thức hay chuyến thăm công khai nào của phái đoàn nước ngoài đến đây và thế giới bên ngoài chỉ biết về nơi này chủ yếu từ thông báo của Hàn Quốc, Mỹ cùng hình ảnh chụp từ vệ tinh.
|
Bên cạnh đó, Trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon, cách Bình Nhưỡng khoảng 90 km về phía bắc, cũng đóng vai trò rất quan trọng cho các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Được cho là tổ hợp hạt nhân quan trọng nhất của Triều Tiên, đây là nơi cung cấp vật liệu phân hạch cho các vụ thử 2006 và 2009.
Hoạt động tại Yongbyon bắt đầu vào năm 1965 khi Liên Xô và Triều Tiên hợp tác xây dựng một lò phản ứng nhỏ. Bước ngoặt trong quá trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên được ghi nhận khi nước này đưa vào hoạt động lò phản ứng công suất 5 MW ở Yongbyon vào năm 1986. Sau một thời gian hoạt động chập chờn, lò này được đẩy mạnh công suất vào tháng 2.2003, sản xuất khoảng 6 kg plutonium mỗi năm, cũng như bổ sung thêm một cơ sở làm giàu uranium mới vào năm 2010, theo Reuters.
“Sẽ mạnh hơn trước”
Ngày 1.2, Yonhap dẫn lời Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Yu Woo-ik ngày 1.2 tuyên bố vụ thử hạt nhân mới có thể sẽ mạnh hơn 2 lần trước. “Hai cuộc thử đầu tiên có thể được xem là nỗ lực phát triển khả năng hạt nhân của Bình Nhưỡng, trong khi đợt thứ 3 nằm trong giai đoạn cuối của việc chế tạo vũ khí”, ông nói. Mấy ngày qua, Hàn Quốc liên tục cảnh báo miền Bắc sẽ đối mặt trừng phạt “chưa có tiền lệ” nếu cương quyết thử hạt nhân. Đến ngày 3.2, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ra lệnh tăng cường cảnh giác, chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp. Cùng ngày, trưởng đặc phái viên về đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Lim Sung-nam bay đến Trung Quốc để bàn cách “ngăn chặn Triều Tiên hành động khiêu khích”. Bắc Kinh được cho là đồng minh lớn nhất của Bình Nhưỡng nhưng gần đây cũng tỏ dấu hiệu không hài lòng. Cụ thể, Trung Quốc đồng thuận với nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của HĐBA LHQ và theo Yonhap thì Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần triệu tập Đại sứ Triều Tiên Ji Jae-ryong nhằm yêu cầu hủy kế hoạch thử hạt nhân. Hoàn Cầu thời báo thậm chí đăng xã luận dọa rằng Bắc Kinh sẽ giảm viện trợ cho Bình Nhưỡng.
Đáp lại, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra lệnh cho quân đội trong trạng thái sẵn sàng ứng phó và đáp trả tổng lực “mọi hành vi gây hấn, mọi trừng phạt kinh tế và quân sự của kẻ thù”. Theo Yonhap ngày 3.2, ông Kim Jong-un vừa chủ trì cuộc họp mở rộng của Quân ủy trung ương nước này. Trong đó, nhà lãnh đạo có bài phát biểu quan trọng làm kim chỉ nam để tăng cường sức mạnh của quân đội Triều Tiên và bảo vệ chủ quyền cũng như an ninh. KCNA không nói rõ nội dung bài phát biểu mà chỉ nói các đại biểu, bao gồm những tướng lĩnh hàng đầu của Triều Tiên, nhất trí “thực hiện vô điều kiện và triệt để mọi nhiệm vụ”.
Văn Khoa
>> Quân đội Triều Tiên nhận lệnh sẵn sàng
>> Hàn Quốc họp khẩn vì CHDCND Triều Tiên
>> Hàn Quốc tuyên bố sẽ phản ứng mạnh với Triều Tiên
>> Đảng Lao động Triều Tiên bất ngờ hội nghị
>> Google Maps thể hiện về CHDCND Triều Tiên
>> Mỹ-Hàn cảnh báo Triều Tiên về vụ thử hạt nhân lần 3
>> Triều Tiên chỉ trích đồng minh ?
>> Hàn Quốc cảnh báo về Triều Tiên
Bình luận (0)