Gốm Trung Quốc (thế kỷ XIII - 13) từ con tàu đắm phát hiện vào năm 2012. Gốm Chu Đậu (Việt Nam) từ thế kỷ XV -15 trên con tàu đắm tại Quảng Nam. Gốm Chương Châu, Trung Quốc (vào thế kỷ XVII - 17, trên con tàu đắm được tìm thấy ở tỉnh Bình Thuận). Còn có gốm Champa, gốm Thái Lan… Cả một kho tàng cổ vật.
Những hiện vật được tìm thấy từ cả chục năm trước, nhưng cũng mất ngần ấy năm để các chuyên gia cổ sạch được làm sạch, bảo quản và trưng bày tại các bảo tàng.
Việc tìm thấy những chiếc tàu bị đắm, mang theo trong lòng nó cả vạn cổ vật nằm im lặng hàng thế kỷ dưới đáy biển sâu luôn là một câu chuyện chất chứa nhiều bí ẩn về hành trình con tàu và số phận của thủy thủ đoàn.
Thế kỷ 13, “con đường tơ lụa trên biển” hình thành, khởi đầu từ các thương cảng ở phía nam Trung Hoa, đi qua Biển Đông đến tận bán đảo Ả Rập, kết nối giao thương giữa hai lục địa Á-Âu.
Trong thời kỳ hoàng kim của con đường tơ lụa trên biển (tức khoảng thế kỷ XV -15 đến thế kỷ XVIII 18), Việt Nam trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa, là điểm dừng chân của các thương thuyền quốc tế trong mạng lưới hải thương xuyên đại dương.
Loại hàng hóa hấp dẫn nhất, được lưu thông nhiều nhất qua Biển Đông trong thời kỳ này chính là gốm sứ.
Trong hải trình giao thương ấy, nhiều thương thuyền chở gốm sứ đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy Biển Đông vì nhiều lý do khác nhau.
Hơn 3 thập niên qua, vùng Biển Đông Việt Nam đã phát hiện hàng chục con tàu đắm với lượng lớn hàng hóa mang theo là gốm sứ mậu dịch, trở thành những chứng cứ lịch sử quan trọng về thương mại hàng hải cổ đại, từ đông sang tây.
Nhiều hiện vật quý giá trong số các di sản đó lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng khiến người xem ngỡ ngàng.
Trong số các cổ vật được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, số lượng gốm thời Thanh (Ung Chính) từng được tìm thấy trên con tàu cổ đắm tại Cà Mau khá lớn. Con tàu mang gần 50.000 cổ vật.
Ngoài những vật dụng sinh hoạt cá nhân của thủy thủ đoàn, hàng hóa chủ yếu là đồ sứ men trắng vẽ lam, men nhiều màu có xuất xứ từ các lò gốm sứ Cảnh Đức Trấn (Giang Tây) và Quảng Châu (Trung Quốc).
Đáng lưu ý, trong số đồ sứ Trung Quốc, có một số được đặt hàng theo phong cách của châu Âu như: bình sữa, bình rượu có quai, đĩa vẽ hoa lá và phong cảnh của Hà Lan. Điều đó cho thấy hàng hóa trên con tàu đắm Cà Mau được người châu Âu đặt hàng và đang trên đường đến châu Âu.
Cùng với lượng lớn gốm Trung Quốc thời Đường, thời Thanh thì các cổ vật là gốm Thái Lan thế kỷ 15 cũng được trưng bày.
Các cổ vật này trục vớt từ con tàu đắm được phát hiện tại huyện Phú Quốc (ở tỉnh Kiên Giang), dưới độ sâu khoảng 10m.
Kết quả của cuộc khai quật là tìm thấy hơn 16.000 cổ vật, phần lớn là gốm men ngọc và men nâu. Các nhà khảo cổ học giám định niên đại những đồ gốm này được sản xuất vào thế kỷ 15.
Trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử TP.HCM còn có lượng gốm Champa cực kỳ quý giá. Gốm Champa là những đồ gốm tráng men (đồ sành) do người Chăm sản xuất và được đặt theo tên của vương quốc Champa (thế kỷ 2 - 17) ở miền Trung Việt Nam.
Gốm Champa cùng với gốm Đông Nam Á đã sớm tham gia con đường thương mại hàng hải trên Biển Đông.
Còn đây là gốm Chu Đậu của Việt Nam vào thế kỷ 15, được tìm thấy trong con tàu đắm tại Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam).
Hiện vật gốm sứ trong những tàu cổ chủ yếu là dòng gốm gia dụng và một vài loại sử dụng cho tín ngưỡng, tôn giáo.
Hiện vật phản ánh rõ nét sự phát triển mạnh mẽ của các loại đồ gốm xuất khẩu với men màu, kiểu dáng, hoa văn phong phú, đặc sắc, đóng góp tích cực vào truyền thống riêng biệt của gốm Việt Nam.
Bình luận (0)