Bí ẩn kỳ lạ trong vụ 'khí cầu do thám' Trung Quốc

18/09/2023 11:24 GMT+7

Bảy tháng sau vụ 'khí cầu do thám' gây ra căng thẳng ngoại giao giữa Bắc Kinh và Washington, vị tướng hàng đầu của Mỹ giờ đây cho biết khí cầu này khi đó không làm nhiệm vụ do thám.

Trong sự vụ mà đài CBS gọi là "cuộc khủng hoảng kỳ lạ nhất" trong nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden, quân đội Mỹ đã điều các chiến đấu cơ tối tân nhất chỉ để bắn hạ một thiết bị mà Washington tin là "khí cầu do thám" của Trung Quốc hồi tháng 2. Bắc Kinh khẳng định đó chỉ là khí cầu dân sự nghiên cứu thời tiết và phản ứng một cách giận dữ trước hành động của Mỹ, buộc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phải hủy chuyến thăm Trung Quốc.

Giờ đây, 7 tháng sau vụ bắn hạ, tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, xác nhận khí cầu Trung Quốc khi đó không làm nhiệm vụ do thám. "Đánh giá của cộng đồng tình báo – đánh giá có độ tin cậy cao – là khí cầu đó hoàn toàn không thu thập thông tin tình báo", ông Milley nói trong chương trình "Sunday Morning" phát sóng trên đài CBS hôm 17.9.

Bí ẩn kỳ lạ trong vụ 'khí cầu do thám' Trung Quốc - Ảnh 1.

Phi công Không quân Mỹ nhìn xuống khí cầu đang bay qua lãnh thổ Mỹ hồi tháng 2

BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Người dẫn chương trình của CBS đặt câu hỏi: "Tóm lại, đó là một khí cầu do thám, nhưng khi đó nó không đang làm nhiệm vụ do thám?".

Ông Milley trả lời: "Tôi có thể nói rằng đó là một khí cầu do thám mà chúng tôi biết chắc chắn rằng (nó) đã không thu thập được bất cứ thông tin tình báo nào và không truyền bất kỳ thông tin tình báo nào về Trung Quốc".

Hồi cuối tháng 6, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder cho biết khí cầu nói trên không chỉ không truyền dữ liệu về Trung Quốc mà thực ra cũng chưa bao giờ thu thập được thông tin nhạy cảm, theo đài ABC.

"Chúng tôi biết rằng nó có khả năng thu thập thông tin tình báo, nhưng theo đánh giá của chúng tôi thì nó đã không thu thập được gì khi bay qua Mỹ... Như chúng tôi đã nói vào thời điểm đó, chúng tôi cũng đã thực hiện các bước để giảm thiểu các nỗ lực thu thập (thông tin tình báo) khả dĩ", ông Ryder nói trong một cuộc họp báo.

Vậy tại sao khí cầu lại bay qua lãnh thổ Mỹ? Có nhiều giả thuyết khác nhau, và một trong những giả thuyết hàng đầu là nó đã bị gió mạnh làm cho chệch hướng. Khí cầu trước đó hướng về phía quần đảo Hawaii nhưng những cơn gió ở độ cao 18 km dường như đã khiến khí cầu bị thổi bay về phía Alaska, sau đó đi ngang qua Bắc Mỹ.

"Gió trên đó rất mạnh. Động cơ đặc biệt trên khí cầu đó không thể chống lại những cơn gió ở độ cao đó", tướng Milley nói trong chương trình của CBS.

Trong một diễn biến liên quan, các quan chức Mỹ hôm 15.9 cho biết Trung Quốc đã tạm dừng hoạt động của các khí cầu do thám sau sự vụ hồi tháng 2, theo báo The New York Times. Các quan chức nói họ không biết thời gian tạm dừng sẽ kéo dài bao lâu, nhưng cho rằng với mức độ đầu tư của chính phủ Trung Quốc vào nỗ lực này, Bắc Kinh có thể sẽ tái khởi động chương trình.

Đài CNN dẫn một nguồn tin cho biết cộng đồng tình báo Mỹ tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc không có ý định cho khí cầu đó bay qua lãnh thổ Mỹ, thậm chí còn khiển trách những người điều hành chương trình khí cầu do thám vì vụ việc.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ rời Trung Quốc với tâm trạng lạc quan

Những tiết lộ mới xuất hiện giữa lúc cả Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách ổn định mối quan hệ ngày càng căng thẳng. Khi được yêu cầu bình luận về chương trình khí cầu, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cho rằng sự việc xảy ra hồi tháng 2 là chuyện "ngoài dự liệu" và "mang tính đơn lẻ".

"Kể từ khi sự việc xảy ra, Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng khí cầu được phát hiện là một khí cầu dân sự không người lái được sử dụng cho mục đích khí tượng và nghiên cứu khác, và việc nó vô tình đi vào không phận Mỹ hoàn toàn là chuyện ngoài dự liệu, mang tính đơn lẻ, do trường hợp bất khả kháng gây ra... Sự thật là rõ ràng và sẽ không bị bóp méo hay xuyên tạc. Chúng tôi hy vọng các bên liên quan có thể ngừng thổi phồng chuyện này", Đài CNN dẫn lời ông Lưu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.