Mỹ theo dõi 'khí cầu do thám' Trung Quốc từ đảo Hải Nam

15/02/2023 12:25 GMT+7

Trước khi bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc vào ngày 4.2, quân đội Mỹ đã theo dõi vật thể này trong gần một tuần kể từ sau khi nó cất cánh tại đảo Hải Nam.

Mỹ theo dõi 'khí cầu do thám' Trung Quốc từ đảo Hải Nam trước khi bắn hạ - Ảnh 1.

Vật thể bị cho là khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị không quân Mỹ bắn hạ ngày 4.2 ở Nam Carolina

REUTERS

The Washington Post ngày 14.2 dẫn lời các nguồn tin cho biết quân đội Mỹ đã theo dõi khinh khí cầu do thám của Trung Quốc trong gần một tuần kể từ khi nó cất cánh từ căn cứ tại đảo Hải Nam (Trung Quốc) trước khi bắn hạ nó vào ngày 4.2.

Chiếc khinh khí cầu đã di chuyển ổn định trên đường bay sẽ đưa nó qua lãnh thổ Guam của Mỹ. Tuy nhiên, trên đường đi, khinh khí cầu đã bất ngờ rẽ về phía bắc, theo một số quan chức Mỹ. Họ cũng nói các nhà phân tích đang xem xét khả năng Trung Quốc không có ý định dùng thiết bị giám sát trên không trên không phận Mỹ.

Mỹ bổ sung cấm vận sau vụ bắn hạ khí cầu, Trung Quốc cảnh báo trả đũa

Khinh khí cầu đã bay trên quần đảo Aleutian của Alaska, cách Guam hàng ngàn km rồi sau đó trôi dạt qua Canada. Tại đây, những cơn gió mạnh dường như đã đẩy khinh khí cầu về phía nam, vào không phận Mỹ, các quan chức giấu tên cho biết. Một tuần sau khi bay qua Alaska, khinh khí cầu đã bị máy bay chiến đấu Mỹ bắn hạ ngoài khơi bờ biển Nam Carolina vào ngày 4.2.

Các thông tin mới cho thấy có khả năng cuộc khủng hoảng quốc tế đang làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh ít nhất một phần là kết quả của sai lầm.

Trong khi đó, Nhà Trắng ngày 14.2 cho biết 3 vật thể khác bị bắn hạ ở Bắc Mỹ trong tuần trước có thể không gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia nào. Ông John Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết cộng đồng tình báo Mỹ "sẽ không loại trừ khả năng" rằng 3 vật thể trên thuộc về một tổ chức thương mại hoặc tổ chức nghiên cứu và do đó "vô hại".

Theo các quan chức Mỹ, quân đội Trung Quốc (PLA) từng cho khinh khí cầu do thám bay qua đảo Guam và Hawaii để giám sát các cơ sở quân sự của Mỹ. Các nhà phân tích tình báo vẫn không chắc liệu khinh khí cầu lệch hướng trong vụ việc mới nhất là cố ý hay vô tình. Tuy nhiên, họ tin chắc rằng khinh khí cầu này được dùng để giám sát, rất có thể là các cơ sở quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương. Theo The Washington Post, dù là trường hợp nào đi nữa, việc khinh khí cầu xâm nhập không phận Mỹ là một sai lầm lớn của PLA. Sai lầm này đã gây ra sự phẫn nộ về chính trị và ngoại giao cũng như cho Mỹ và các đồng minh biết khả năng do thám không của Bắc Kinh.

Mỹ bác cáo buộc điều khí cầu bay vào không phận Trung Quốc

Các quan chức cho biết việc khinh khí cầu bay lơ lửng trên các cơ sở hạt nhân nhạy cảm ở Montana không phải là ngẫu nhiên. Điều này làm tăng khả năng rằng ngay cả khi khinh khí cầu vô tình bị thổi bay vào không phận Mỹ, Trung Quốc đã quyết định nắm bắt cơ hội để cố gắng thu thập thông tin tình báo.

Các quan chức Mỹ nói vụ việc này là dấu hiệu mới nhất cho thấy Trung Quốc đang cố tình mở rộng khả năng giám sát của mình - từ công nghệ vệ tinh tiên tiến đến khinh khí cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.