>> Bí ẩn miền đất thánh - Kỳ 2: Những cuộc khai quật
>> Bí ẩn miền đất thánh: Chủ nhân thánh địa vẫn còn bí ẩn
|
Không phải trên trời rơi xuống
Thánh địa Cát Tiên luôn luôn bí ẩn với các nhà khoa học mấy chục năm qua. Những tín hiệu phát ra từ các cuộc khai quật cũng như những hiện vật mà các nhà khảo cổ thu lượm được vẫn rất còn mù mờ. Tại một hội thảo khoa học về di tích này được tổ chức ở Đà Lạt mới đây, GS Lương Ninh ví von: Di tích đồ sộ này vẫn còn sờ sờ ra đó. Nó không phải từ trên trời rơi xuống vì chẳng thấy có hố sâu nào từ cuộc "rơi từ trời" này, trái lại, di tích đang sừng sững trên đồi cao, có cả bậc đá đi vào đền...
|
Cũng theo GS Ninh, không thể có việc người Phù Nam, Chân Lạp đến đây "xây hộ" các công trình của di tích mà phải là những chủ nhân tại chỗ. GS Ninh nhận định Cát Tiên có quan hệ trao đổi sản vật và văn hóa với Phù Nam. Những mảnh vàng ở Cát Tiên hẳn là phải có quan hệ với văn hóa Phù Nam. “Những mảnh vàng đó rất giống Phù Nam về kiểu dáng mà không đâu có. Những hình khắc vạch mang tính bản địa (hai hình ném thòng lọng), một số hình thần, hình người mang vẻ lạ như một sự góp nhặt tự nhiên hơn là một tín ngưỡng chú tâm. Rất có thể một phần đáng kể lâm sản và đá quý mà Phù Nam có được là do lấy nguồn từ Cát Tiên, ngược lại nhiều hiện vật ở Cát Tiên, nhất là hiện vật đồng là do lấy nguồn từ cửa sông Đồng Nai, Biên Hòa”, GS Lương Ninh nêu vấn đề. Ông lý giải thêm: "Một số mảnh gốm mới được phát hiện cũng phù hợp với những mảnh gốm trước đây đã được nhấn mạnh là chính hiệu gốm Phù Nam. Nếu như cư dân cổ ở thánh địa này không mua gốm đẹp từ Phù Nam mới là chuyện lạ. Gốm có từ thế kỷ 1, 2 đến thế kỷ 4, 5 được người dân mua về dùng từ khi họ có mặt ở đây, không có nghĩa là công trình kiến trúc xuất hiện đồng thời. Các công trình kiến trúc xuất hiện sau thì rõ rồi nhưng vào giai đoạn nào thì vẫn còn là dấu hỏi".
Thuộc nền văn hóa nào ?
|
TS Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học VN) cho rằng các di tích kiến trúc chịu ảnh hưởng của văn hóa tôn giáo Ấn Độ tại VN nói riêng và Đông Nam Á nói chung, đền thờ chính đều có mặt bằng là hình vuông. Tuy nhiên, riêng ở Cát Tiên, số lượng mặt bằng hình chữ nhật lại nhiều hơn hình vuông. Mặt bằng xây dựng hình chữ nhật sẽ quy định cấu trúc bộ phận kiến trúc mái khác hẳn bộ phận mái kiến trúc tháp mặt bằng hình vuông. Đây là nét riêng của các kiến trúc Cát Tiên, khác hẳn với các nền văn hóa khác. Cũng như các kiến trúc thuộc văn hóa Champa, Óc Eo, kiến trúc tại Cát Tiên vật liệu xây dựng chủ yếu bằng gạch và đá đều có nguồn gốc từ địa phương. Những chủ đề mỹ thuật, họa tiết khắc tạc trên đá có những nét tương đồng với văn hóa Champa, Óc Eo nhưng vẫn mang phong cách riêng của Cát Tiên mà không sao chép từ bất kỳ nền văn hóa nào.
Bên cạnh đó, các di tích ở Cát Tiên được xây dựng bằng kỹ thuật mài chập có sử dụng chất kết dính là nhựa thực vật. Kỹ thuật này tương đồng với kỹ thuật xây dựng tháp Champa, nhưng các kiến trúc Champa khác về mặt bằng, khối kiến trúc, chẳng hạn như các tháp Champa được xây lớn, tường dày nên có độ bền vững cao hơn. Trong khi đó, kỹ thuật xây dựng các công trình kiến trúc tại Cát Tiên tương đồng với các kỹ thuật xây dựng kiến trúc trong văn hóa Óc Eo, do vậy đến nay hầu như còn tồn tại rất ít (riêng Cát Tiên bây giờ là một phế tích). TS Lê Đình Phụng nhận định: “Di tích Cát Tiên thuộc một nền văn hóa riêng biệt, có nét tương đồng với các nền văn hóa xung quanh, nhưng nét riêng vẫn mang tính nổi trội”.
Gia Bình - Hồng Diễm
>> Bí ẩn miền đất thánh: Chủ nhân thánh địa vẫn còn bí ẩn
>> Khám phá miền đất thánh Israel
>> Đệ trình Bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại
>> Tháng phim Mỹ Sơn nhân 15 năm công nhận di sản văn hóa thế giới
Bình luận (0)