Bí ẩn Ngũ Hành Sơn: Đi tìm bến ngự

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
23/05/2022 06:27 GMT+7

Khúc sông Cổ Cò chảy qua trước chùa Quán Thế Âm (TP. Đà Nẵng ) có một vị trí tương truyền ngày xưa hoàng đế Minh Mạng đã cập thuyền để lên vãn cảnh Ngũ Hành Sơn. Vậy vị trí chính xác có thể được tìm thấy không?

Bến ngự trên sông cổ cò

Giữa trưa nắng tháng 4, ông Trần Văn Sơn (một cư dân bản địa trú tại P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn) dẫn chúng tôi ra bến sông, đoạn trước chùa Quán Thế Âm để chỉ khu vực mà từ xa xưa được cho là vua Minh Mạng dừng chân để bước lên bờ. “Gần 200 năm trôi qua, khúc sông giờ đã bị bồi lấp rất nhiều. Thế nhưng từ nhỏ tôi đã nghe kể, chính đoạn sông này có một bến thuyền để đón vua Minh Mạng lên Ngũ Hành Sơn viếng cảnh. Đến nay, người dân vẫn gọi khu vực này là bến ngự”, cánh tay ông Sơn đưa một vòng phía trước ngọn Kim Sơn. Cũng như ông Sơn, nhiều cư dân địa phương chỉ biết rằng cái tên bến ngự đã có từ lâu đời, còn ở đâu thì không ai biết.

Thượng tọa Thích Huệ Vinh chỉ về khúc sông Cổ Cò có thể ngày xưa từng được xây dựng bến ngự đón vua Minh Mạng

HOÀNG SƠN

Nhiều tài liệu ghi chép, trước khi bị bồi lấp nghiêm trọng khiến nhà chức trách phải ra sức nạo vét như hiện nay, sông Cổ Cò (còn gọi Lộ Cảnh giang) nối từ Cửa Đại (Hội An) đến cửa Hàn (Đà Nẵng) là tuyến đường thủy phục vụ giao thương rất sôi động từ hàng trăm năm trước. Dưới thời vua Minh Mạng (tại vị từ năm 1820 - 1841), trong vòng 12 năm, ngài đã 3 lần ngự du đến Ngũ Hành Sơn. Lần thứ nhất và năm Minh Mạng thứ 6 (1825), thuyền ngự đã đến bến Hóa Khuê để vua cùng các đại thần vãn cảnh. Trong lần đầu đến Ngũ Hành Sơn, vua đã cho xây dựng 2 con đường bậc cấp lên núi, gồm chùa Tam Thai (nay là cổng 1) và lối lên chùa Linh Ứng (nay là cổng 2). Vua cũng sắc phong chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng là quốc tự.

Lần thứ 2 đến Ngũ Hành Sơn vào năm Minh Mạng thứ 8 (1827), vua cho đúc 9 tượng và 3 chuông lớn ở chùa Tam Thai. Lần thứ 3 vào năm Minh Mạng thứ 18 (1837), vua ban tên gọi chính thức cho các ngọn núi tương ứng ngũ hành. Trong đó, ngọn núi phía đông bắc (núi Tam Thai) là Thủy Sơn, 3 ngọn núi phía tây nam là Mộc Sơn, Dương Hỏa và Âm Hỏa. Hai ngọn phía tây là Thổ Sơn, Kim Sơn. Cũng trong năm 1837, vua cho lập bia Vọng Giang đài hướng sông Cổ Cò và bia Vọng Hải đài hướng nhìn ra Biển Đông.

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, cho rằng nhiều khả năng trong 3 lần vua Minh Mạng đến thăm Ngũ Hành Sơn đều bằng đường sông Cổ Cò. Do vậy, hình ảnh một bến ngự từng xuất hiện ở bờ sông Cổ Cò là rất dễ thuyết phục. “Vấn đề là chỉ có 1 bến ngự từng được hình thành tại 1 địa điểm nhất định ở ven sông hay là 3 bến ngự như thế, mỗi lần 1 bến ở 3 vị trí khác nhau? Hiện nay về phương diện nghiên cứu vẫn chưa có chứng cứ cụ thể nào để trả lời câu hỏi vừa nêu, ngoài cái tên bến đò Hóa Khuê”, ông Tiếng nói.

Đoạn sông Cổ Cò được nhiều người nhận định từng là bến ngự đón vua Minh Mạng lên bờ vãn cảnh Ngũ Hành Sơn

Từng tìm thấy cọc buộc dây thuyền

Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm, nhận định với đặc điểm giao thông đường thủy thuận lợi trong lịch sử, sông Cổ Cò từng là nơi đoàn châu ấn thuyền của các thương nhân Nhật Bản lui tới. Bởi vậy, việc vua Minh Mạng đi thuyền đến Ngũ Hành Sơn vì sông Cổ Cò sóng nước thuận êm và đáp tại địa danh bến ngự còn tồn tại đến nay là việc đã diễn ra trong lịch sử. “Khoảng thời gian năm 1987 - 1988, nhà chùa cùng người dân làm ruộng thì phát hiện 1 cây cọc bằng gỗ lim đen tuyền ở đoạn sông trước chùa. Trên thân cọc còn có những vòng tròn bằng đồng được đúc rất đẹp mắt. Đáng tiếc là trong một trận lũ lớn, chiếc cọc lim cất giữ trong chùa đã bị nước cuốn trôi…”, thượng tọa Thích Huệ Vinh nói.

Dù địa hình, địa vật đã thay đổi rất nhiều, nhưng là người địa phương lại tu tập ở chùa hàng chục năm qua nên vị thượng tọa còn nhớ rất kỹ vị trí tìm thấy chiếc cọc lim. Dẫn chúng tôi ra mép sông trước chùa, thượng tọa chỉ vào khu vực có hòn đá to màu đen và cho biết, đây chính là vị trí chiếc cọc lim đã cắm sâu xuống đất mà chính tay ông là người đã nhổ lên.

“Bờ nay đã lấn sông hàng mét nhưng tôi vẫn nhớ như in dấu tích của bến ngự. Trong quá trình phục hóa, chùa đã phát hiện một lối đi nằm sâu dưới mặt đất được lát bởi những tảng đá vuông vức, cỡ một người ôm. Đây nhiều khả năng là con đường vua Minh Mạng đã đi. Ngoài ra, ngay tại trước chùa ngày xưa có một bụi tre lớn. Khả năng bến ngự nằm ngay vị trí này vì có những tảng đá lớn xếp chồng nhau để làm móng”, vị thượng tọa nhớ lại.

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng cho rằng nếu không định vị được chính xác bến ngự thì vẫn có thể phục dựng một bến ngự như vậy ở Khuê Bắc trên cơ sở nghiên cứu mô hình bến đò Dương Xuân, bến Ngự trên sông An Cựu ở Huế - nơi đang còn một số địa danh, nhân danh mang tên bến ngự như dốc Bến Ngự, cầu Bến Ngự gần đàn Nam Giao. Với việc hiện nay bờ sông phía đông Cổ Cò trước chùa Quán Thế Âm chưa được xây dựng kè, nhiều người cho rằng cần một cuộc khai quật để tìm ra vị trí chính xác của bến ngự năm xưa hoặc chí ít phần nào góp sức chọn vị trí bến ngự sát với lịch sử.

Điều đáng mừng là tại đồ án quy hoạch phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn vừa được HĐND TP.Đà Nẵng thông qua, đã xác định “bến thuyền vua Minh Mạng, đình nghỉ chân của vua Minh Mạng trước khi lên ngọn Thủy Sơn” (công trình chưa xác định được địa điểm cụ thể) là công trình cần phục hồi, phát huy giá trị di tích. Nếu bến ngự được phục hồi kết hợp bến giao thông đường thủy, đây sẽ là một công trình điểm nhấn cho khu di tích. (còn tiếp)

Bí ẩn Ngũ Hành Sơn

Tấm bia nào cổ nhất ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.