Bí ẩn Ngũ Hành Sơn: Ly kỳ chuyện chọn người vào vai Quán Thế Âm

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
25/05/2022 06:35 GMT+7

Hình ảnh một cô gái hóa thân thành Bồ tát Quán Thế Âm chậm rãi bước xuống từng bậc thang, trước những cái chắp tay đầy tôn kính của hàng chục ngàn người gây ấn tượng mạnh ở lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn. Cô gái được chọn là ai và cần phải có phẩm hạnh như thế nào?

Tu luyện cả năm, vào vai 1 giờ

Trong bài trước, khi đề cập đến Huyền Trân công chúa, thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm, đã nhiều lần nhắc đến lễ hội cùng tên chùa. Trước khi được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 3.2.2021, lễ hội này là 1 trong 15 lễ hội lớn nhất cả nước gắn liền với di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng). Lễ hội được hình thành từ việc hòa thượng Thích Pháp Nhãn phát hiện một pho tượng Quán Thế Âm hoàn toàn thiên tạo bằng thạch nhũ, tay cầm bình cam lồ, cao bằng người thật trong một hang động tại núi Kim Sơn.

Nữ phật tử vào vai Quán Thế Âm Bồ tát trong lễ hội cùng tên diễn ra vào năm 2018

UBND Q.NGŨ HÀNH SƠN

Ngày 19.2.1956, nhân dịp tổ chức lễ khánh thành chùa Quán Thế Âm, hòa thượng Thích Pháp Nhãn đã thành lập Hội phổ Quan Âm và làm trưởng ban tổ chức Ngày lễ vía Quan Âm tại chùa. Từ năm 1991, lễ hội được tổ chức quy mô, diễn ra từ ngày 17 - 19 tháng 2 âm lịch. Trong đó, ngày 19 là ngày lễ chính thức, gồm lễ vía Quán Thế Âm; lễ rước tôn tượng Quán Thế Âm; lễ hóa trang Quán Thế Âm...

Theo hồ sơ Cục Di sản văn hóa, để hóa trang tái hiện hình tượng Quán Thế Âm, mỗi năm nhà chùa sẽ chọn 1 trong 32 ứng hóa của bồ tát để hóa thân.

“Lễ hóa trang Quán Thế Âm với sự chứng kiến của hàng vạn người dân cùng phật tử, chư tôn đức, thượng tọa, đại đức… trong và người nước, do đó để được chọn vào vai đức Bồ tát, cô gái phải qua nhiều khâu cực kỳ khắt khe. Ban tổ chức phải tìm kiếm những cô gái trong gia đình phật tử thuần thành trước lễ hội cả năm trời rồi cho ăn chay, ngồi thiền, rèn cử chỉ, dáng đi, thần thái sao cho giống đức Bồ tát. Lễ hóa trang chỉ diễn ra trong vòng 1 giờ đồng hồ, nhưng người đóng vai Bồ tát phải tu luyện đến cả năm trời mới thành…”, thượng tọa Thích Huệ Vinh cho biết.

Chọn người đoan trang, đạo hạnh, biết thiền định...

Thượng tọa Thích Huệ Vinh kể, khoảng 10 năm đầu, người vào vai Quán Thế Âm được rước đi khắp Q.Ngũ Hành Sơn. Nữ phật tử vào vai Bồ tát cũng phải rèn luyện thêm về thể lực bởi việc diễu hành có khi kéo dài 6 - 8 giờ đồng hồ. Và quan trọng nhất là phải thật tĩnh tâm để giữ đúng phong thái của đức Bồ tát. “Khi ngồi trên xe bị lắc lư, nếu không tĩnh tâm sẽ mất thần thái của Quán Thế Âm. Do vậy, người vào vai phải học ngồi thiền trong nhiều tháng”, vị thượng tọa nói. Đến lần gần nhất tổ chức lễ này vào năm 2019, người vào vai Quán Thế Âm chỉ đi một vòng. Dù vậy những tiêu chí lựa chọn vẫn không thay đổi.

Tượng Quán Thế Âm bằng thạch nhũ trong hang đá phát tích lễ hội cùng tên

S.X

Về ngoại hình, nữ phật tử phải có gương mặt đoan trang, phúc hậu, hình tướng cao ráo, thanh thoát…; phải có học vấn, văn hóa, phẩm chất đạo đức tốt và phải thường xuyên đến chùa. “Một tiêu chí quan trọng nữa là nữ phật tử phải chưa chồng, chưa có người yêu. Đó là con gái mới lớn, còn trinh bạch mới được. Chọn được người rồi, trong vòng khoảng 6 - 8 tháng, nữ phật tử này được giảng dạy về hạnh nguyện của đức Quán Thế Âm”, thượng tọa Thích Huệ Vinh cho biết thêm.

Trong lịch sử chọn người đóng vai đức Bồ tát chưa xảy ra việc phải đổi người giữa chừng. Tuy nhiên, để đảm bảo tính trang nghiêm, kính trọng đức Quán Thế Âm, nhà chùa phải thường xuyên theo dõi người được chọn vào vai. Nếu dư luận xã hội phản ánh không tốt thì sẽ loại ngay. Cũng từ đó mà chùa luôn chọn thêm 2 - 3 người để “dự phòng” trường hợp “nữ chính” đau ốm, tai nạn hoặc xảy ra chuyện không phù hợp với tiêu chí.

Thượng tọa Thích Huệ Vinh kể có nhiều ý kiến cho rằng đức Quán Thế Âm thiêng liêng là vậy, tại sao lại đem con người ra đóng? Vị thượng tọa quan niệm rằng: con người cũng có thể thành Phật. “Như Phật nói Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Đá, gỗ, đồng, sắt… cũng được tạc mà thành tượng Quán Thế Âm. Vật vô tri còn làm được Quán Thế Âm, huống chi là con người, tại sao lại coi thường con người vậy. Miễn sao con người có đạo hạnh, công quả, biết tu tập, thiền định là tốt rồi”, thượng tọa phân tích.

Vị thượng tọa cũng cho hay còn có ý kiến cho rằng nghi lễ khiến mọi người phải cúi đầu lạy một người trần chứ không phải Quán Thế Âm. Thượng tọa lý giải, khi cúi lạy người nhập vai là bằng cả cái tâm hướng về đức Quán Thế Âm. Bồ tát là một biểu tượng mà mỗi người có lòng thành hướng về. “Bởi nếu suy luận như vậy thì khi vái lạy tượng Quán Thế Âm không lẽ vái lạy khúc gỗ, tảng đá…”, ông nhấn mạnh. (còn tiếp)

Bí ẩn Ngũ Hành Sơn

Nơi Huyền Trân công chúa từng dừng chân?

Đi tìm bến ngự

Tấm bia nào cổ nhất ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.