Đài kiểm soát không lưu tại sân bay quốc tế Muan, tỉnh Jeolla Nam (miền nam Hàn Quốc) đã phát cảnh báo nguy cơ tông phải chim ngay trước khi chiếc Boeing 737-800 của Jeju Air gặp tai nạn ngày 29.12. Giới chức Hàn Quốc cho biết phi công đã báo với đài kiểm soát rằng máy bay tông phải chim và phát cảnh báo cầu cứu khẩn cấp.
Bí ẩn nguyên nhân gây vụ tai nạn máy bay Hàn Quốc
Giả thuyết ban đầu là vụ tông phải chim đã làm hỏng động cơ cung cấp năng lượng cho càng đáp, khiến bộ phận này không thể bung ra và máy bay phải tiếp đất bằng bụng.
Sau khi trượt bụng ở tốc độ cao, máy bay tông vào mô đất ở cuối đường băng và tường rào sân bay kế đó, nổ tung. Trong 181 người trên máy bay, chỉ có 2 tiếp viên ở cuối máy bay sống sót. Mô đất cao 2 m được tráng nền bê tông và có các cột ăng ten để hỗ trợ điều hướng máy bay. Theo Yonhap, cấu trúc này cách đoạn cuối của đường băng khoảng 250 m
Tờ The Guardian dẫn lời tiến sĩ Sonya Brown, giảng viên cao cấp về thiết kế hàng không tại Đại học New South Wales (Úc), nghi ngờ việc máy bay tông phải chim là nguyên nhân chính.
"Một vụ tông phải chim là sự kiện có thể sống sót. Nó sẽ không dẫn đến điều mà chúng ta đã thấy, đặc biệt là bởi trong tình huống một động cơ ngừng hoạt động, vẫn còn nhiều năng lượng", bà Brown phân tích.
179 người chết trong thảm kịch rơi máy bay Jeju Air, Hàn Quốc quốc tang
Bộ càng đáp của máy bay được bung ra hoặc thu vào bằng một hệ thống thủy lực và tiến sĩ Brown cho biết các máy bay thương mại hiện đại như Boeing 737 có nhiều hệ thống dự phòng khác để bung càng đáp ra trong trường hợp hệ thống thủy lực bị trục trặc.
Các hệ thống khác liên quan hoạt động của máy bay như cánh tà và cánh cản, được bung ra trước khi hạ cánh để tăng lực cản và giúp máy bay chậm lại, cũng có cơ chế dự phòng để hoạt động.
"Rất khó có khả năng để một vụ tông phải chim khiến 2 hệ thống thủy lực độc lập bị hỏng. Có vẻ như còn yếu tố khác trong tai nạn này", bà Brown đặt vấn đề.
Tương tự, giáo sư Doug Drury tại Đại học Central Queensland (Úc) cũng đồng ý rằng việc tông phải chim không phải là nguyên nhân duy nhất.
"Chim rơi vào một động cơ sẽ không gây hỏng toàn bộ các hệ thống khác. Bạn có thể bay một chiếc 737 bằng một động cơ", ông Drury, phi công kỳ cựu từng lái máy bay thương mại, quân sự và máy bay thuê, cho biết.
Ông Drury tỏ ra ngạc nhiên về tốc độ của chiếc máy bay khi nó tiến gần đường băng. "Nếu bạn chuẩn bị tiếp đất bằng bụng, bạn phải giảm tốc độ xuống mức tối thiểu có thể điều khiển. Nhưng chiếc máy bay này lại đang lao xuống đường băng với rất nhiều năng lượng", ông Drury phân tích.
Thông thường, máy bay sẽ hạ cánh ngược chiều gió để giúp giảm tốc độ nhưng trong vụ việc tại Hàn Quốc, chiếc máy bay của Jeju Air hạ cánh ngược hướng đường băng, gợi ý có thể nó đã hạ cánh xuôi gió.
Các nhà điều tra đang phân tích dữ liệu từ hộp đen dữ liệu chuyến bay và ghi âm buồng lái để điều tra nguyên nhân tai nạn. Các quan chức Hàn Quốc ngày 31.12 cho biết một nhóm điều tra của chính phủ Mỹ và hãng sản xuất Boeing đã đến hiện trường để tham gia điều tra.
Bình luận (0)