Đá xanh thếp vàng
Các nhà khoa học thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã kiểm tra 11 điểm từ đầu đến chân bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông ở khu vực tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên (Yên Tử, Quảng Ninh). Theo đó, bức tượng được tạo tác từ đá xanh, với thành phần và hàm lượng khoáng vật tương đương với loại đá xanh xây xếp tháp. Các nhà khoa học cho rằng đá làm tượng và xây tháp có cùng nguồn gốc.
Trong khi đó, kết quả phân tích từ các vị trí từ eo đến chân, đùi cho thấy sự xuất hiện của vàng. Những vị trí xuất hiện kim loại vàng thường có lớp patin màu nâu vàng. Việc xuất hiện của kim loại vàng, độ dày và độ bền bám dính của lớp patin cho thấy, có thể có giai đoạn nào đó, tượng đã được phủ sơn và có thếp vàng. Tượng bằng đá được phủ một lớp sơn thếp hiện còn bắt gặp tại một số nơi ngay tại Hoa Yên.
Về kỹ thuật tạo tác, theo hồ sơ bảo vật, người thợ đã sử dụng phương pháp mài và đánh bóng bằng cát, nước và bàn mài. Ngay cả các vị trí hoa văn với các đường nét nhỏ, phạm vi hẹp cũng được mài nhẵn. Kích thước, tỷ lệ, tư thế, dung mạo của tượng và các họa tiết hoa văn trang trí trên tượng cho thấy nghệ nhân tạo tác pho tượng này phải có trình độ hiểu biết sâu rộng về chuẩn mực tạc tượng cũng như trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao.
Chạm trổ chuẩn mực
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bảo vật quốc gia là tượng đá, gồm hai phần: phần tượng và phần bệ. Hai phần này được tạo tác riêng biệt, sau đó gắn nối với nhau bằng hệ thống mộng và lỗ mộng.
Tượng được tạc ở tư thế thiền buông thư - một tư thế giúp thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Tuy nhiên, cách thể hiện ngón út và áp út tay phải của tượng lại dẫn tới hai cách giải thích khác nhau. Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, hai ngón này có cấu trúc và cách thể hiện cho thấy dường như người thợ muốn diễn tả các ngón này ở trạng thái bị mất hai đốt ngón tay hơn là được gập lại. Lý do là phần đầu ngón tay thẳng chứ không tròn như khi các ngón tay được gấp lại. Thêm vào đó, bên hông không diễn tả hiện tượng bẻ gấp của hai đốt.
Vì thế, có hai cách hiểu được đưa ra. Cách thứ nhất, có thể các đốt bị vỡ trong quá trình tạc, người thợ đã chỉnh lại cho giống thế hai đốt trên gập lại. Giả thuyết thứ hai là người thợ muốn diễn tả cả hai ngón đã bị mất hai đốt.
Tượng được thể hiện với gương mặt thanh tú, tai to, trán rộng, cổ cao nhiều ngấn thân hình thanh thoát mà dáng vẻ uy nghiêm. Các nếp áo quần chồng xếp mềm mại, uyển chuyển; họa tiết hoa văn trên vạt áo, gấu quần chi tiết và sắc nét.
Một trong những đặc điểm nổi bật của tạo tác pho tượng là kiểu thức đắp vận pháp phục với tam y (y thượng, y trung, y hạ) đắp lên thân để che phủ các phần thân thể khác nhau. Ở bệ tượng cũng có một tấm y được thể hiện nổi cao hơn bề mặt, đó có thể là y thượng dùng để lót chỗ ngồi. Nét uốn lượn của trang phục cho thấy sự tinh tế của nghệ nhân tạo tác tượng.
Các đồ án hoa văn trên tượng cũng rất đẹp. Bệ tượng là nơi tập trung nhiều họa tiết hoa văn nhất với cả hình rồng, hình phượng và hình hoa sen. Có những đồ án thể hiện hai bông sen ở góc nghiêng xen với sen mãn khai nhìn thẳng từ trên xuống dưới. Thân rồng giống với hình tượng rồng trên bia 6 mặt chùa Côn Sơn (Hải Dương) và bia 6 mặt chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang). Chim phượng được khắc chìm với các nét khắc mảnh nhưng sâu thể hiện hình tượng chim phượng đang bay với hai sải cánh dang rộng. Những họa tiết hoa văn cũng cho thấy tượng được tạo tác vào thế kỷ 17.
Độc bản và nhân bản
Ông Kiều Đinh Sơn, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh, cho biết bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông vẫn được đặt ở tháp Huệ Quang và gắn bó với tháp từ thế kỷ 17 tới nay. Nhờ đó, đã 300 năm nay, phật tử vẫn liên tục hành hương về đây chiêm bái. Sau khi trở thành bảo vật quốc gia, dự kiến tượng vẫn sẽ ở lại với khu vực tháp này.
Là một vị vua, cũng là người sáng lập dòng thiền Trúc Lâm, Phật hoàng Trần Nhân Tông được thờ phụng ở nhiều nơi. Có hai bộ tượng Tam tổ Trúc Lâm đầy đủ và cổ nhất hiện có là bộ tại chùa Phổ Minh (Nam Định) và bộ tại chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang). Cả hai bộ tượng đều được tạo dựng trong khoảng thế kỷ 17 - 18, chất liệu gỗ được sơn thếp. Cũng có một pho tượng đá tại khu nhà tổ chùa Hồ Thiên (Quảng Ninh) được cho là tượng phật hoàng với tư thế tọa thiền trên đài sen.
Từ các so sánh hiện vật, hồ sơ bảo vật quốc gia cho rằng có thể khẳng định tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên không trùng lặp với bất kỳ pho tượng nào khác về cả tư thế, pháp phục, họa tiết trang trí và thậm chí là cả hình tướng. Do vậy, có thể khẳng định tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên là hiện vật độc bản. Tác phẩm cũng được cho là ví dụ điển hình về mẫu mực trong nghệ thuật điêu khắc tượng phật Đại Việt thế kỷ 17.
Bức tượng được nhiều nơi lấy làm hình mẫu nhân bản. Chẳng hạn, tượng phật hoàng ở An Kỳ Sinh (Yên Tử) khánh thành năm 2013, tượng phật hoàng ở đảo Trường Sa (2015).
Bình luận (0)