Bí ẩn thảm nạn đường sắt 17.3.1982: Ngày tang thương ở Bàu Cá

25/04/2018 10:00 GMT+7

Khi thảm nạn xảy ra, đông đảo người dân các xã quanh vùng được huy động đến tham gia cứu hộ, cứu nạn. Với nhiều người, cho đến nay họ vẫn không nguôi nỗi ám ảnh đau thương.

Như Thanh Niên hôm qua đề cập, chuyến tàu số hiệu 183 gồm 13 toa chở hàng trăm người và hàng hóa (tàu hỗn hợp) từ Nha Trang đi Sài Gòn bị lật vào sáng 17.3.1982 tại khúc cua khu vực ga Bàu Cá, thuộc ấp Hưng Long, xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất (nay là xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom, Đồng Nai) khiến nhiều toa tàu văng ra khỏi đường ray, gây thương vong “đặc biệt nghiêm trọng”, lái tàu, nhân viên và hàng trăm hành khách tử vong. Cho đến bây giờ, người dân quanh vùng vẫn chưa nguôi ngoai ký ức ngày tang thương xảy ra 36 năm về trước.
Chấn động khủng khiếp
PV Thanh Niên tìm đến nhà ông Phạm Văn Khoảnh, Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc thời điểm năm 1982 (nay là xã Hưng Thịnh), để tìm hiểu về vụ thảm nạn, nhưng ông đã qua đời. Bà Lương Thị Loan, vợ ông Khoảnh, dù đã 86 tuổi, nhưng còn khá minh mẫn. Bà Loan nhớ lại: “Lúc đó ông nhà tôi đi suốt để tham gia cứu hộ cứu nạn. Anh em trong xã ra quốc lộ 1 cản đường chặn xe, hướng dẫn chạy vào hiện trường để tải thương. Điều kiện thời ấy còn khó khăn mọi mặt, thông tin liên lạc hạn chế... nên rất vất vả”.
Ông Trần Đức Hùng, 66 tuổi, là trưởng ấp Hưng Long thời điểm tháng 3.1982. Khi thảm nạn xảy ra, ông Hùng đang đi mua máy cày để làm rẫy, nhưng sau đó vội quay về địa phương. Ông Hùng kể: “Vụ lật tàu nghiêm trọng xảy ra gây chấn động khủng khiếp, đến mức có người may mắn sống sót, đi lại được nhưng lúc đưa ra xe để về Sài Gòn thì ngất xỉu, tử vong”.
Theo ông Hùng, lúc đó dường như không thể thống kê chính xác được số người tử vong. Ban Điều hành ấp Hưng Long cũng không lưu trữ hồ sơ gì về vụ lật tàu. Ông Hùng chỉ nghe được thông tin vào thời điểm 36 năm trước có hơn 170 người tử vong, còn số bị thương được đưa vào bệnh viện cấp cứu thì không rõ diễn biến thế nào. Sau đó, có một số thân nhân người đi tàu bị nạn tìm về Hưng Lộc hỏi thăm “nhưng rồi cũng bặt vô âm tín vì không rõ thông tin phần mộ người thân mình nằm ở vị trí nào”.
Bí ẩn thảm nạn đường sắt 17.3.1982: Ngày tang thương ở Bàu Cá1
Nhân chứng Vũ Chấn Phương Ảnh: Anh Tài
Ký ức thương đau
Ông Nguyễn Thành Sơn, năm nay 65 tuổi, thời điểm thảm nạn xảy ra vào sáng 17.3.1982, ông làm nhân viên tuần tra cung đường sắt Bàu Cá, từ ga Trảng Bom đến ga Dầu Giây. Mỗi ngày có 3 ca đi tuần, các nhân viên đường sắt, trong đó có ông Sơn thay phiên nhau liên tục làm nhiệm vụ, khi hết ca đều ký sổ bàn giao an toàn ở đầu ga. Theo lời ông Sơn, thời điểm đó nhân viên đi tuần ghi nhận hệ thống đường ray cung đường trước khi xảy ra thảm nạn không bị sự cố gì.
Ga Bàu Cá giờ chỉ còn là tên gọi, nằm lẩn khuất giữa khu dân cư. Các đoàn tàu bắc - nam không còn dừng lại tại ga này nữa. Tại đây hiện chỉ còn một ngôi nhà cấp 4 dành cho công nhân ngành đường sắt ở. Đoạn đường ray khúc cua chữ C trước khi vào ga nay đã được nắn lại thẳng hơn, cách vị trí tàu lật khoảng 100 m. Địa điểm xảy ra thảm nạn lật tàu cách ga Bàu Cá khoảng 500 m, nay trở thành khu dân cư, đường giao thông. Cạnh đó hình thành các ki ốt và một khu chợ. Cách đây mấy năm, trong khu vực dân cư ga Bàu Cá có một người trúng số. Người này đã phụ tiền để xây dựng lại miếu thờ tưởng nhớ các nạn nhân tại vị trí xảy ra thảm nạn. Việc hương khói ở ngôi miếu do người dân xung quanh thường xuyên chăm lo một cách tự nguyện.
Khi được hỏi về nguyên nhân xảy ra thảm nạn, ông Sơn kể: “Mặc dù là nhân viên trong ngành đường sắt, thường xuyên làm nhiệm vụ tuần tra từ năm 1976 - 2000 mới nghỉ hưu, nhưng tôi cũng không được rõ, chỉ nghe là tàu mất thắng chạy tốc độ cao, tới khúc cua thì bị lật. Theo lịch trình thì tàu dừng tại ga Dầu Giây, nhưng hôm đó băng qua luôn, không dừng lại đón khách và lấy thẻ đường (thẻ an toàn để tàu tiếp tục hành trình - PV)”.
Ông Sơn kể thêm: “Lúc đó tầm 5 giờ hoặc 5 giờ 30 sáng, tôi đang ở ga Bàu Cá thì nghe tiếng ầm chấn động, vội chạy lên thấy cảnh tượng kinh hoàng, tàu lật ngả nghiêng, chỉ có 2 - 3 toa còn trên đường ray thôi. Người chết rất nhiều. Những nạn nhân bị thương thì la khóc, hoảng hốt. Người dân liền sau đó được huy động đến hiện trường hỗ trợ lực lượng chức năng cứu giúp người bị nạn. Trong quá trình tham gia cứu hộ, thấy một chiếc đồng hồ còn dính trên cánh tay của nạn nhân bị đứt lìa, có người bảo lấy cái đồng hồ đi, tôi la: Tang thương vậy mà lấy gì, lo cứu người đi”.
Bí ẩn thảm nạn đường sắt 17.3.1982: Ngày tang thương ở Bàu Cá2
Địa điểm xảy ra thảm nạn lật tàu ngày 17.3.1982 cách ga Bàu Cá khoảng 500 m, nay trở thành khu dân cư, đường giao thông và xuất hiện miếu thờ tưởng nhớ các nạn nhân Ảnh: Đình Phú
Bí ẩn thảm nạn đường sắt 17.3.1982: Ngày tang thương ở Bàu Cá3
Nhân chứng Nguyễn Thành Sơn Ảnh: Anh Tài
Ông Vũ Chấn Phương, 61 tuổi, ở ấp Hưng Long từ năm 1976. Bây giờ ông Phương cùng gia đình bán quán cơm ven quốc lộ 1 thuộc địa bàn ấp Hưng Long. Ông kể: “Lúc sự cố bất ngờ xảy ra, thanh niên trong ấp được huy động đi cứu người. Nhà tôi cách nơi xảy ra vụ lật tàu gần 500 m, khi đến nơi thấy cảnh dập nát, mọi thứ văng tứ tung, nhiều toa tàu bị xé rách cả phần thân. Nạn nhân nằm la liệt, lúc đó hỗn loạn lắm, khiêng người này mà thấy người kia đang rên la, máu me đầy người. Nhìn cảnh tang thương không ai cầm lòng được. Hôm đó tôi và anh em trong ấp tham gia cứu hộ đến chiều tối mới nghỉ, còn hiện trường thì 2 - 3 ngày sau mới thu dọn xong. Ngày 17.3.1982 là một ngày rất buồn, rất tang thương ở Bàu Cá”.
***
Ngay trong ngày 17.3.1982, những trường hợp người chết có thân nhân hay tin đến nhận diện thì đưa về quê nhà mai táng. Rất nhiều trường hợp không thể nhận diện, được địa phương và ngành đường sắt tổ chức mai táng ở khu đất trống cách nơi xảy ra thảm nạn khoảng 4 km, nay thuộc ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa, H.Trảng Bom.
Bà Trần Thị Cẩm, 59 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận (TP.HCM), trong đơn gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, Bộ GTVT và ngành đường sắt, cho biết trong chuyến tàu định mệnh bị nạn ngày 17.3.1982 có anh trai là Trần Thái Phương (sinh 1955) và người vợ tên Nở (quê Nha Trang) tử nạn. Ước nguyện “tìm thấy mộ phần vợ chồng anh trai” của bà và gia đình nhiều năm đã trôi qua nhưng vẫn còn dang dở và rất nhiều nạn nhân khác vẫn còn nằm lại Tây Hòa với thân phận vô danh. Nỗi đau đáu với ước nguyện nhiều năm chưa thể thực hiện trong bà đã bật lên thành bài thơ Nằm lại bên đường tàu: “Có những đoàn tàu ngày đêm đi qua/Lạnh lùng băng băng trong hoàng hôn muộn/Còi tàu vang xa xuyên màn sương sớm/Những con tàu xuôi ngược bắc - nam/Có bao giờ tàu dừng lại ghé thăm/Bên đường ray, nghĩa trang buồn lặng lẽ/Mồ không tên nằm im bên dưới cỏ/Vẫn chờ mong được trở lại quê nhà/Có một đoàn tàu không trở về ga/Lao mình trong đêm dốc quanh tàu lật/Bàu Cá năm nào máu loang đỏ đất/Người mất vô danh nằm lại Tây Hòa!...”.
Những chuyến tàu lửa bắc - nam vẫn ngược xuôi trên cung đường ngay phía trước ga Bàu Cá với hàng ngàn người đi qua mỗi ngày, nhưng số phận những nạn nhân của vụ lật tàu kinh hoàng 36 năm trước vẫn cứ chìm dần vào quên lãng. (Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.