Bị can Lê Tùng Vân có bị tạm giam khi tự ý rời khỏi nơi cư trú?

Phan Thương
Phan Thương
12/06/2022 06:06 GMT+7

Ngày 7.6, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh bị can Lê Tùng Vân (90 tuổi, ngụ tại Long An) có mặt tại TP.HCM để làm căn cước công dân, trong khi bị can này đang bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Bị can Lê Tùng Vân bị Viện KSND tỉnh Long An truy tố về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân”, theo khoản 2 điều 331 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Bị can Lê Tùng Vân tại thời điểm Tịnh thất Bồng Lai còn hoạt động

CẮT TỪ CLIP

Theo đó, ngày 10.6, tin từ Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Long An cho biết để đảm bảo việc điều tra, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Lê Tùng Vân được Viện KSND tỉnh Long An tiếp tục gia hạn trong thời gian gần 4 tháng, tính từ ngày 3.6 vừa qua. Tuy nhiên, bị can Lê Tùng Vân tự ý rời khỏi nơi cư trú trong thời gian bị cấm và không thông báo với chính quyền xã Hòa Khánh Tây.

Bị can Lê Tùng Vân có bị tạm giam khi tự ý rời khỏi nơi cư trú?

Rời khỏi nơi cư trú, phải xin phép

Phát hiện bị can Lê Tùng Vân có mặt tại TP.HCM vào ngày 9.6, tức bị can đã vi phạm lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, cơ quan chức năng đã buộc bị can này trở lại Tịnh thất Bồng Lai (nhà số 191A, ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, H.Đức Hòa, Long An).

Cơ sở Thiền am bên bờ vũ trụ

BẮC BÌNH

Hiện Cơ quan ANĐT và Viện KSND tỉnh Long An đang phối hợp đánh giá mức độ vi phạm lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của bị can Vân để xem xét thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị can này.

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), theo điều 123 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Đồng thời, bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ, trong đó có nghĩa vụ “không rời khỏi nơi cư trú nếu không được cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho phép”.

Luật sư Hùng cho biết quá trình điều tra, truy tố, xét xử, người ra lệnh cấm bị can, bị cáo đi khỏi nơi cư trú phải thông báo về việc áp dụng biện pháp này cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú, và giao bị can, bị cáo cho chính quyền xã, phường, thị trấn để quản lý, theo dõi họ. “Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan theo quy định thì bị tạm giam trở lại”, luật sư Hùng nói.

Việc tạm giam vẫn phải xem xét

Tuy nhiên, với lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan phải tạm thời đi khỏi nơi cư trú, thì bị can, bị cáo có vi phạm nghĩa vụ cam đoan hay không, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ (Viện KSND TP.HCM) cho hay trường hợp bị can, bị cáo vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan phải tạm thời đi khỏi nơi cư trú thì cũng phải được sự đồng ý của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú và phải có giấy cho phép của người đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.

Ngoài ra, bà Nhuệ cho biết theo quy định tại điều 123 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, khi vi phạm nghĩa vụ cam đoan, bị can Lê Tùng Vân sẽ bị bắt tạm giam. Nhưng việc có tạm giam hay không, cơ quan tiến hành tố tụng còn căn cứ vào nhiều yếu tố khác và căn cứ vào quy định tại điều 119 bộ luật Tố tụng hình sự 2015, khi điều luật về tạm giam quy định: “Biện pháp tạm giam có thể áp dụng đối với bị can đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm”.

Theo bà Nhuệ, “có thể áp dụng” tức không bắt buộc phải áp dụng, mà cơ quan tiến hành tố tụng sẽ còn xem xét nhiều góc độ như ông Lê Tùng Vân có phải là người già yếu, người bị bệnh nặng, có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng. Trừ các trường hợp, khi xác định bị can Lê Tùng Vân: “Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; tiếp tục phạm tội; có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này”, thì việc bắt tạm giam bị can Lê Tùng Vân là bắt buộc phải thực hiện.

Sử dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin sai sự thật

Bị can Lê Tùng Vân bị khởi tố ngày 5.1.2022 về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân. Tính đến nay, vụ án này đã có tổng cộng 7 bị can bị khởi tố tại khoản 2 điều 331 bộ luật Hình sự.

Ngày 9.6, Viện KSND tỉnh Long An đã ban hành cáo trạng truy tố Lê Tùng Vân và 5 bị can khác gồm: Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi), Lê Thanh Nhị Nguyên (24 tuổi) và Cao Thị Cúc (62 tuổi). Riêng bị can Lê Thu Vân hiện chưa tìm được nên tách riêng ra vụ án khác, bắt được sẽ xử lý sau.

Theo cáo trạng, từ năm 2016, các bị can nói trên đến ở tại số 191A ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, H.Đức Hòa, Long An do bị can Cao Thị Cúc làm chủ hộ. Bị can Lê Tùng Vân biến nơi đây thành cơ sở tu tại gia theo Phật giáo lấy tên Tịnh thất Bồng Lai nhưng không được các ngành chức năng và Giáo hội Phật giáo VN tỉnh Long An công nhận. Do đó bị can Vân đổi tên cơ sở này thành Thiền am bên bờ vũ trụ để tiếp tục hoạt động.

Trong khoảng thời gian từ năm 2019 - 2021, các bị can đã sử dụng các phương tiện điện tử như máy tính, điện thoại di động để đăng tải trên mạng xã hội Facebook và YouTube cá nhân được đăng ký sử dụng có chứa đựng thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc nhằm tuyên truyền, kích động, xúc phạm uy tín của Công an H.Đức Hòa (Long An), xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm ông Trần Ngọc Thảo (pháp danh Thích Nhật Từ), đã gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.