'Bị cáo biết mình có lỗi, còn lỗi đến đâu tùy cơ quan tố tụng...'

Trần Cường
Trần Cường
21/11/2022 14:28 GMT+7

Đồng tình với cáo trạng truy tố, cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long cho rằng bản thân có lỗi, còn lỗi đến đâu tùy thuộc cơ quan tố tụng đánh giá.

Sáng 21.11, TAND TP.Hà Nội mở phiên sơ thẩm, xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cùng các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Bộ Y tế và Tổng công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long (viết tắt là Dược phẩm Cửu Long) gây thiệt hại 3,8 triệu USD tài sản nhà nước.

Tuổi cao sức yếu, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang chống gậy ra tòa

Trong vụ án, cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang; Dương Huy Liệu, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế); Nguyễn Việt Hùng, cựu Cục phó Cục Quản lý dược (Bộ Y tế); Nguyễn Nam Liên, cựu Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính và Phạm Thị Minh Nga, cựu chuyên viên Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), cùng bị xét xử về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo Cao Minh Quang tại phiên tòa

anh Kiên

Các bị cáo tại Dược phẩm Cửu Long cùng bị xét xử tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, gồm: Lương Văn Hóa, cựu Tổng giám đốc; Nguyễn Thanh Tòng, cựu Phó tổng giám đốc; Nguyễn Văn Thanh Hải và Ngô Hữu Hiếu Nghĩa, đều là cựu cán bộ.

Là người đầu tiên trả lời thẩm vấn, bị cáo Hóa khai bản thân 6 năm đảm nhiệm chức Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT của Dược phẩm Cửu Long và là người chỉ đạo, điều hành các hoạt động của doanh nghiệp này.

Theo bị cáo Hóa, bản hợp đồng giữa Dược Cửu Long với Bộ Y tế về việc đặt hàng mua nguyên liệu sản xuất thuốc Oseltamivir là do bị cáo trực tiếp ký. Trong hợp đồng này có điều khoản quy định nếu công ty đàm phán với nhà sản xuất để được giảm giá nguyên liệu thì sẽ xem xét giảm giá hợp đồng cho Bộ Y tế. Đồng thời, nếu được giảm giá, Dược phẩm Cửu Long sẽ phải báo cáo lại với Bộ Y tế.

Bị cáo Lương Văn Hóa trả lời thẩm vấn

Anh Hùng

Khai với HĐXX, bị cáo Hóa cho hay thời điểm năm 2005, dịch cúm A/H5N1 diễn biến phức tạp, trước tình thế gấp gáp, Dược phẩm Cửu Long đã đàm phán với Công ty Mambo về việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thuốc. Khi được Công ty Mambo chào với giá 17.500 USD/kg nguyên liệu Oseltamivir, Dược phẩm Cửu Long đã chấp thuận luôn mà không thương lượng và nhập hơn 500 kg.

Đơn hàng có giá hơn 9 triệu USD, tuy nhiên Dược phẩm Cửu long trả trước hơn 5,2 triệu USD và trả chậm số tiền hơn 3,8 triệu USD còn lại trong vòng 6 tháng kể từ ngày nhận hàng.

Sau đó, dịch bệnh bớt căng thẳng, nhu cầu dùng thuốc cũng ít đi nên bị cáo Hóa đã yêu cầu bị cáo Nghĩa liên hệ với Công ty Mambo để thương thảo, đề nghị được giảm giá hoặc tài trợ Dược phẩm Cửu Long để giảm bớt số tiền như đã ký ban đầu. Tuy nhiên, đến khi bị cáo Hóa nghỉ hưu, Công ty Mambo vẫn chưa có câu trả lời chính thức vì vậy số tiền hơn 3,8 triệu USD vẫn chưa được thanh toán.

Giải thích việc không phải trả hơn 3,8 triệu USD nhưng không báo cáo với Bộ Y tế, cựu Tổng giám đốc Dược phẩm Cửu Long cho rằng vì phía Mambo chưa có trả lời chính thức về việc đồng ý giảm giá nên công ty cũng chưa báo cáo bằng văn bản với Bộ Y tế.

Xem nhanh 20h ngày 21.11: Cựu thứ trưởng chống gậy hầu tòa | Giải mã những băng chuyền 'siêu delay'

Tại tòa, bị cáo Hóa nhiều lần nhắc lại thời điểm năm 2005, kinh tế suy thoái, lãi suất ngân hàng rất cao và Dược Cửu Long gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Do vậy, doanh nghiệp này đã dùng số tiền nợ để tự “cứu mình”, để trả lãi ngân hàng, bổ sung vốn… và việc hạch toán này không được báo cáo Bộ Y tế.

Trước khi cho bị cáo Hóa về chỗ, chủ tọa hỏi có ý kiến gì với cáo trạng và tội danh truy tố? Đáp lại, bị cáo Hóa cho hay không có ý kiến gì về cáo trạng cũng như tội danh Viện KSND tối cao truy tố.

“Đứng ở đây, bị cáo biết bản thân có lỗi, còn lỗi đến đâu tùy thuộc cơ quan tố tụng đánh giá”, bị cáo Hóa nói.

Theo cáo trạng, năm 2005, dịch cúm A/H5N1 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đặt hàng Dược Cửu Long sản xuất thuốc Oseltamivir. Sau đó, Dược phẩm Cửu Long nhập 520 kg nguyên liệu Oseltamivir với giá 9,1 triệu USD của Công ty Mambo. Dược Cửu Long đã thanh toán cho Mambo 5,25 triệu USD, còn lại 3,848 triệu USD được trả chậm sáu tháng kể từ ngày nhận hàng.

Về sau, giá nguyên liệu giảm, bị cáo Lương Văn Hóa chỉ đạo thuộc cấp đề nghị Công ty Mambo giảm giá cho số tiền còn nợ.

Trong nhiều lần làm việc với Bộ Y tế, ông Hóa không báo cáo và báo cáo sai sự thật về việc được giảm giá mua nguyên liệu. ​​​​​​​Hành vi này dẫn gây thiệt hại hơn 3,8 triệu USD cho nhà nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.