Bị cáo Trương Mỹ Lan 'nỗ lực' tìm tài sản để giảm thiệt hại cho SCB?

Phan Thương
Phan Thương
13/03/2024 05:27 GMT+7

Ngày 12.3, các luật sư bắt đầu thẩm vấn trong phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HQĐT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác trong vụ án sai phạm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và nhiều tổ chức khác, gây thiệt hại cho SCB khoảng 498.000 tỉ đồng, theo cáo trạng.

"Chỉ đạo vay, giải ngân đều là chỉ đạo miệng"

Để làm rõ vai trò của bị cáo Trương Mỹ Lan trong SCB, luật sư (LS) của bị cáo này đề nghị một số cựu lãnh đạo SCB trình bày rõ về việc các bị cáo nhận chỉ đạo bằng miệng hay văn bản từ bị cáo Lan về việc lập hồ sơ vay khống rồi rút tiền của SCB.

Cựu Phó tổng giám đốc SCB Trần Thị Mỹ Dung trình bày các hồ sơ vay của nhóm bà Lan trên bề mặt hồ sơ là không sai nhưng thực tế là sai. Các hoạt động theo hồ sơ vay đều không có thật, ví dụ như Công ty Lavifood bản chất là có hoạt động kinh doanh nhưng về dòng tiền là do bà Lan sử dụng. Bị cáo cũng thừa nhận mình có sai trong việc cho vay không theo sát dòng tiền nên không biết cụ thể tiền sử dụng như thế nào. Bị cáo Dung khai các chỉ đạo liên quan vay, giải ngân đều là chỉ đạo miệng.

Bị cáo Trương Mỹ Lan 'nỗ lực' tìm tài sản để giảm thiệt hại cho SCB?- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan trong phiên tòa chiều 12.3

NHẬT THỊNH

Trương Mỹ Lan đồng ý giao 649 tài sản để giải quyết vấn đề của SCB

Cựu Phó tổng giám đốc SCB Trương Khánh Hoàng khai: "Chị Lan là người đỡ đầu cho SCB", có ảnh hưởng đến các quyết định của SCB. Ký tự "HSTT - Hội sở tiếp thị" trên hệ thống dữ liệu Core Banking tại SCB chỉ các khoản vay của nhóm Vạn Thịnh Phát đã hình thành trước khi bị cáo tham gia vào ngân hàng. Tức các khoản vay này sẽ được giải ngân trước, sau mới hoàn thiện hồ sơ cho phù hợp.

LS Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan) sau đó dẫn chứng lại lời khai tại tòa của những cựu lãnh đạo, nhân viên SCB cho rằng bà Lan có quyền lực, vai trò chỉ đạo tại SCB. Không đồng ý, bị cáo Lan lý giải do ở SCB mọi người không thấy ai xuất hiện ngoài bà nên ngộ nhận bà là chủ. "Tôi ngoài việc cho mượn tài sản, tìm nhà đầu tư thì tôi không biết gì khác. Các công việc phân công tôi không biết... Tôi đã đưa hết tài sản vào SCB. Về anh em SCB xin HĐXX xem xét lại, thật sự họ khổ lắm", Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trình bày.

Vì sao chưa định giá 649 mã tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan tại SCB?

Chiều 12.3, LS Trần Minh Hải hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan về việc SCB đang quản lý 649 tài sản có nguồn gốc của bị cáo Lan. Theo LS Hải, bị cáo Lan đang thụ hưởng 649 tài sản này, nhưng các tài sản chưa được tính khấu trừ vào để giảm thiệt hại trong vụ án. "Bị cáo có đồng ý giao 649 tài sản này cho SCB khấu trừ thiệt hại không?", LS hỏi bị cáo Lan.

Bị cáo Lan trình bày: "Tôi đồng ý nhưng không phải giảm thiệt hại vì tôi không làm gì sai. Tôi cho SCB mượn tài sản để giải quyết các vấn đề tài chính của SCB, nhưng phải định giá đúng giá trị tài sản".

Liên quan đến 649 tài sản này, cáo trạng thể hiện quá trình tạo lập các hồ sơ vay vốn để rút tiền của SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã đưa 1.166 mã tài sản để đảm bảo cho 1.284 khoản vay, tổng giá trị tài sản đảm bảo đã bị nâng khống ghi nhận trên sổ sách là 1.265.504 tỉ đồng.

Xem nhanh 12h ngày 14.3: Trương Mỹ Lan không nhớ đã cho bao nhiêu tiền | Sân bay Long Thành cần 12.000 lao động

Tại thời điểm định giá lại các mã tài sản trên vào ngày 30.9.2022, đối với 1.166 mã tài sản để đảm bảo cho 1.284 khoản vay thuộc trách nhiệm của bị cáo Trương Mỹ Lan, thì Công ty thẩm định giá Hoàng Quân (SCB thuê thẩm định lại) chỉ định giá 726 mã tài sản; 440 mã tài sản còn lại không định giá vì các tài sản là cổ phần, cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản không đủ hồ sơ pháp lý tài sản, một số tài sản không thuộc phạm vi định giá lại.

Đồng thời, trong 726 mã tài sản có giá trị định giá được, Công ty thẩm định giá Hoàng Quân cũng cho rằng có 209 mã tài sản không đủ điều kiện pháp lý để tiến hành xử lý tài sản vì không có hợp đồng thế chấp/cầm cố, hợp đồng thế chấp chưa được công chứng, tài sản chưa đăng ký giao dịch đảm bảo đúng quy định.

Ngoài ra, bị cáo Lan đề nghị HĐXX giúp chuyển 1.000 tỉ đồng mà bị cáo Nguyễn Cao Trí hoàn trả cho bị cáo để đưa vào SCB, giúp SCB giải quyết bài toán kinh tế tài chính trong ngân hàng.

Bên cạnh đó, theo bị cáo Lan, bị cáo không gây thiệt hại cho SCB, nhưng cam kết đưa tài sản của mình vào để giúp SCB khắc phục hậu quả. Cụ thể, bị cáo đồng ý ủy quyền toàn bộ, không hủy ngang các cổ phần của bị cáo, gia đình, bạn bè cho Ngân hàng Nhà nước để tiện quản lý SCB; mong HĐXX hỗ trợ để liên lạc với 8 cổ đông ở nước ngoài để họ không hủy ngang cổ phần tại SCB, từ đó có thể đảm bảo một phần nào thu hồi, giảm thiệt hại cho SCB; đề nghị các tài sản trong vụ án phải định giá đúng giá thị trường, sau đó bị cáo sẵn sàng dùng tài sản để giúp SCB.

Hôm nay 13.3, phiên tòa tiếp tục với phần hỏi của các luật sư.

Kết quả điều tra xác định: Trong giai đoạn từ ngày 1.1.2012 - 7.10.2022, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân 2.527 khoản (gồm: 1.057 khoản khách hàng cá nhân và 1.470 khoản khách hàng tổ chức) với tổng số tiền trên 1 triệu tỉ đồng. Đến ngày 17.10.2022, còn 1.284 khoản vay, dư nợ 677.286 tỉ đồng, gồm 483.971 tỉ đồng nợ gốc và 193.315 tỉ đồng nợ lãi/phí, các khoản vay đều thuộc nợ nhóm 5, không có khả năng thu hồi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.