Bị cáo Út 'trọc' từ chối luật sư do tòa chỉ định

Phan Thương
Phan Thương
20/05/2021 10:17 GMT+7

Vì các luật sư của Út 'trọc' vắng mặt; Út 'trọc' từ chối luật sư do tòa chỉ định. Theo tòa, bị cáo phải tự bào chữa.

Sáng nay (20.5), TAND cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") và đồng phạm trong sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (gọi tắt là Tổng công ty Cửu Long, thuộc Bộ Giao thông Vận tải), Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (gọi tắt là Công ty Yên Khánh) và các đơn vị có liên quan trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Phiên tòa phúc thẩm được mở để xem xét kháng cáo của 4 bị cáo: Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc", Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn), Phạm Văn Diệt (Tổng giám đốc điều hành Công ty Đức Bình), Vũ Thị Hoan (Giám đốc Công ty Yên Khánh), Phạm Tấn Hoàng (Phó phòng Kế toán Công ty Yên Khánh). Ngoài ra, còn có kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty Yên Khánh.

Các bị cáo tại phiên tòa.

KHẢ HÒA

Các luật sư của bị cáo Hệ và Hoan vắng mặt. Để đảm bảo quyền lợi của các bị cáo, HĐXX đã chỉ định luật sư bào chữa. Tuy nhiên, bị cáo Hệ và bị cáo Hoan không đồng ý.
Về vấn đề này, sau khi hội ý, HĐXX quyết định tiếp tục xét xử vụ án.
Theo HĐXX, các luật sư bào chữa cho 2 bị cáo xin hoãn phiên tòa nhưng không được HĐXX chấp nhận và các luật sư vắng mặt là lỗi của các luật sư, luật sư đã từ bỏ quyền bào chữa của mình đối với các bị cáo. Các bị cáo tự từ chối luật sư chỉ định là đã từ bỏ quyền của mình nên phải tự bào chữa tại phiên tòa hôm nay.
Đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt thì quá trình xét xử, HĐXX sẽ trích những lời khai trong hồ sơ vụ án.
Vụ án còn có 16 bị cáo khác nhưng các bị cáo còn lại không kháng cáo, trong đó có nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường.

Theo bản án sơ thẩm, dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương có tổng mức đầu tư Ngân sách Nhà nước hơn 9.800 tỉ đồng. Năm 2012, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao là đơn vị trực tiếp quản lí, xây dựng đề án bán quyền thu phí thu hồi vốn để hoàn trả ngân sách nhà nước.

Tháng 2.2012, Út "trọc" dùng mối quan hệ, được ông Đinh La Thăng “hậu thuẫn” để tham gia và trúng đấu giá quyền thu phí dù công ty Yên Khánh của Hệ không có năng lực tài chính; sau khi trúng quyền thu phí, Hệ có hành vi gian dối cắt giảm, che dấu doanh thu thực tế bằng thủ công và bằng phần mềm công nghệ thông tin, chiếm đoạt hơn 725 tỉ đồng của nhà nước. Ngoài ra, bị cáo Hệ còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để được mua biệt thự BT01 tại dự án khu nhà ở tầng thấp (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) với giá thấp, hưởng lợi hơn 3,4 tỉ đồng.

Xử sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên Út "trọc" án chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, buộc bồi thường 728 tỉ đồng; tuyên phạt ông Đinh La Thăng 10 năm tù, ông Nguyễn Hồng Trường 4 năm 6 tháng tù và 5 bị cáo thuộc Bộ GTVT mức án từ 2 - 4 năm tù về cùng tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.