Bị châu Âu phạt 5 tỉ USD, Google vẫn ăn nên làm ra

Thu Thảo
Thu Thảo
24/07/2018 17:52 GMT+7

Google vẫn kiếm được hàng tỉ USD bất chấp việc bị giới chức phạt nặng làm ảnh hưởng đến nhiều mảng kinh doanh nhỏ của hãng.

Theo CNN, Alphabet, công ty mẹ của Google, có lợi nhuận giảm trong quý 2/2018 vì khoản phạt khủng từ cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU), song lại hưởng doanh số bán hàng tăng mạnh, đủ bù đắp khoản tiền phạt.
Lợi nhuận doanh nghiệp giảm xuống còn 3,2 tỉ USD trong quý kết thúc vào tháng 6 năm nay, giảm từ mức khoảng 3,5 tỉ USD trong cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận doanh nghiệp giảm cộng với mức phạt 5 tỉ USD của Ủy ban châu Âu (EC) khiến tổng lợi nhuận Google lao dốc. Nếu không bị phạt, lẽ ra Google kiếm được 8,3 tỉ USD.
EU phạt Google vì đẩy mạnh một cách thiếu công bằng các ứng dụng cho người dùng smartphone và cản trở đối thủ cạnh tranh. EC cũng yêu cầu Google để các nhà sản xuất tự do hơn trong việc lựa chọn ứng dụng nào sẽ được cài trên điện thoại thông minh Android.
Dù EU công bố khoản phạt sau khi quý 2/2018 kết thúc, Alphabet trước đó cho hay họ cộng khoản tiền phạt vào báo cáo kết quả kinh doanh của quý. Google thì nói họ sẽ kháng cáo. Khi được hỏi về những tác động tiềm tàng từ quyết định của EU trong cuộc họp hội nghị với các nhà phân tích hôm 23.7, CEO Google Sundar Pichai cho biết hiện còn “quá sớm” để kết luận, và đội ngũ Google đang phân tích quyết định phạt của EU.
Doanh thu Alphabet tăng đến 32,7 tỉ USD trong quý, tăng 26% so với cách đây một năm nhờ hoạt động bán quảng cáo mạnh mẽ, trong đó có quảng cáo tìm kiếm trên thiết bị di động và quảng cáo video YouTube. Doanh thu quảng cáo của Google đạt 28 tỉ USD, tăng từ mức 22,7 tỉ USD cách đây một năm.
Cổ phiếu Alphabet tăng đến 5% ngoài giờ giao dịch ngày 23.7 (giờ Mỹ), chạm mốc cao kỷ lục, sau tin hãng ăn nên làm ra. Daniel Ives, nhà phân tích của GHB Insights, cho biết kết quả kinh doanh quảng cáo là câu trả lời tích cực, rõ ràng cho những nhà đầu tư tin tưởng vào hoạt động kinh doanh của Google giữa lúc công ty gặp nhiều trở ngại từ giới quản lý về vấn đề chống độc quyền và bảo mật dữ liệu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.