Bị chuột cắn không chảy máu, xử trí tại nhà được không?

Lê Cầm
Lê Cầm
14/01/2025 14:10 GMT+7
0:00
00:00
Bài tóm tắt
Ngọc Huyền

Chọn giọng đọc

Vết thương do chuột cắn dù có chảy máu hay không vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm bệnh, do đó người bệnh sau khi sát khuẩn tại nhà cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra và có các biện pháp dự phòng uốn ván và nhiễm khuẩn.

Ngày 14.1, thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 1 Trương Như Quân (Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Quân y 175) cho biết, khi một người bị chuột cắn có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh. Thứ nhất là nhiễm vi khuẩn từ vết cắn của chuột, một loại xoắn khuẩn, gây nên các triệu chứng lâm sàng đa dạng như viêm nhiễm trùng tại vị trí vết cắn, sưng đau, khớp cạnh ở vị trí cắn sưng to, sốt, đau đầu...

"Nếu không điều trị kịp thời, sau 1 - 2 tuần có thể tiến triển nặng hơn, gây nhiễm khuẩn huyết, tổn thương đa cơ quan điển hình là suy gan, suy thận dẫn đến nguy kịch và tử vong", bác sĩ Quân chia sẻ.

Nguy cơ thứ 2 là nhiễm trùng uốn ván. Chuột thường chui rúc trong cống rãnh và gặm nhấm rất nhiều thứ bẩn, răng miệng của chuột cũng rất bẩn, nên vi khuẩn gây uốn ván có thể thông qua vết cắn xâm nhập vào cơ thể người.

Bị chuột cắn không chảy máu, xử trí tại nhà được không?- Ảnh 1.

Vết chuột cắn trên tay 2 bệnh nhân bị sưng tấy, phù nề sau khi nhập viện đã dần lành lặn trở lại

ẢNH: THÙY DƯƠNG

Ngoài ra, người bị chuột cắn có thể nhiễm virus Hanta từ hệ tiêu hóa của chuột thông qua vết cắn của loài động vật gặm nhấm này hoặc thông qua môi trường sống của chúng. Khi bị nhiễm virus Hanta nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến rối loạn đông máu, suy thận cấp, suy gan...

"Khi không may bị chuột cắn, người dân có thể vệ sinh bằng nước sạch, xà phòng. Dù vết thương có chảy máu hay không, người bị cắn cũng nên đến cơ sở y tế để được đánh giá vết thương, khử khuẩn bằng cồn i ốt. Nếu vết thương lớn phức tạp cần phải cắt lọc theo tùy hình. Người bệnh sẽ được tiêm phòng uốn ván, dự phòng nhiễm trùng do chuột cắn bằng kháng sinh... Không nên nhỏ dầu gió vào vết cắn, vì dầu gió không có tác dụng sát khuẩn mà còn làm nóng đau vết cắn, gây tác dụng phụ", bác sĩ Quân khuyến cáo.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh từ chuột

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc với chuột và chất thải của chúng. Sử dụng ủng cao su khi đi đến những nơi có chuột sinh sống, ngủ mùng để tránh bị chuột cắn. Khi tiếp xúc với chuột, bẫy chuột hoặc khi vệ sinh khu vực có chuột phải đeo khẩu trang, mang găng tay cao su và rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc. Dùng hóa chất sát khuẩn thông thường để vệ sinh nơi có chuột.

Giữ vệ sinh, gọn gàng nơi ở, nơi làm việc để làm giảm sự phát triển của chuột. Xác chuột phải đốt hoặc bỏ vào túi nilon 2 lớp và chôn ở độ sâu tối thiểu 50 cm. Thức ăn phải được đậy kín, không cho chuột tiếp xúc với thức ăn của người và gia súc. Nếu có hiện tượng sốt liên quan đến chuột cắn hoặc tiếp xúc với chuột hoặc chất thải của chuột cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Bị chuột cắn không chảy máu, xử trí tại nhà được không?- Ảnh 2.

Người dân cần đến cơ sở y tế để kiểm tra vết thương sau khi bị chuột cắn

ẢNH: REUTERS

Nhiều trường hợp nhiễm khuẩn từ chuột

Như Thanh Niên đưa tin, mới đây Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận đôi vợ chồng ở Hải Dương cùng nhập viện trong tình trạng sốt cao trên 39 độ, toàn thân gai rét và có vết thương phù nề, sưng tấy và nhiễm trùng ở bàn tay. Bệnh nhân cho biết ngày 15.12, trong lúc 2 vợ chồng cùng đuổi bắt 1 con chuột thì bị cắn vào ngón tay chảy máu. Hai ông bà sau đó có rửa tay xà phòng và nhỏ dầu gió vào vết thương.

Sau đó 5 ngày, 2 ông bà cùng sốt cao, thậm chí có lúc nằm li bì, mê sảng, toàn thân gai rét, vết chuột cắn sưng tấy, đau nhức. Tự theo dõi 2 ngày ở nhà không thấy đỡ, 2 ông bà đi khám ở tuyến huyện, được tiêm phòng uốn ván và chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, 2 bệnh nhân được chẩn đoán bệnh là "sốt do chuột cắn" (sodoku).

Trước đó, trong tháng 10.2024, bệnh nhân nữ tên H.T.N (41 tuổi, ngụ Long An) được đưa vào Bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu trong tình trạng đau bụng mơ hồ, nôn ói, chán ăn. Trước đó 2 ngày, chị có biểu hiện ớn lạnh, mệt mỏi. Trong quá trình điều trị tại khoa Ngoại tổng hợp, bệnh nhân được phát hiện có tình trạng khó thở nhiều, vàng da nhẹ, suy thận nặng, nhiễm toan chuyển hóa nặng.

Đến ngày thứ 3 sau khi nhập viện, trong khi các kết quả tầm soát sốt rét âm tính thì diễn tiến xuất huyết kết mạc, gợi ý về một trường hợp nhiễm leptospira nặng. Ngay lập tức, bệnh nhân được sử dụng kháng sinh đặc trị đường tiêm. Kết quả xét nghiệm tìm kháng thể IgG và IgM trong máu giúp chẩn đoán xác định tình trạng nhiễm cấp tính leptospira.

Theo thạc sĩ - bác sĩ Trần Huy Nhật (Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhân dân 115), bệnh leptospirosis do xoắn khuẩn leptospira gây ra. Loại vi khuẩn này tồn tại nhiều trong cơ thể các loài động vật, đặc biệt là chuột. Chuột là nguồn chứa chủ yếu của vi khuẩn leptospira và chúng lây lan vi khuẩn qua dịch tiết và nước tiểu. Con người bị nhiễm bệnh chủ yếu do tiếp xúc với nguồn nước hoặc môi trường có chứa vi khuẩn từ nước tiểu chuột và các loài động vật khác


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.