Bị CSGT TPHCM thổi, người vi phạm tranh luận: Lỗi nào hay bị 'cãi nảy lửa' nhất?

10/03/2022 14:08 GMT+7

Bị thổi phạt vượt đèn đỏ nhưng nhiều người vẫn tranh luận bảo rằng 'lúc tôi qua đèn còn xanh mà', bị phạt quá tốc độ được xem hình ảnh nhưng không chịu, đòi xem thêm tem kiểm định, đơn vị kiểm định máy,… là những lý lẽ của người vi phạm khiến CSGT nhiều lúc phải 'đau đầu'.

Ngày 10.3, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) vừa triển khai kế hoạch sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông. Qua đó hạn chế tối đa việc tranh luận giữa CSGT và người vi phạm trên đường phố.

Theo đó, CSGT sẽ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như: thiết bị ghi hình, máy đo tốc độ có ghi hình, hệ thống camera giám sát, hệ thống đo tốc độ tự động,… để phát hiện, ghi nhận hình ảnh vi phạm.

Lỗi nào người vi phạm tranh luận nhiều nhất?

Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo một đội CSGT ở khu vực trung tâm cho biết, CSGT được cấp camera để ghi hình trong quá trình công tác từ năm 2019, riêng đội CSGT – TT Công an Q.1 được cấp từ năm 2014.

Người vi phạm nồng độ cồn tranh luận với CSGT trên đường

độc lập

“Điều dễ nhận thấy nhất khi xử phạt có camera là không xảy ra cự cãi giữa hai bên, hai nữa là bằng chứng rõ ràng”, vị CSGT khẳng định.

Theo lãnh đội đạo CSGT này, trong quá trình tuần tra, xử lý vi phạm, CSGT khu vực này gặp nhiều nhất là sự tranh luận (có khi còn cãi lại) của người vi phạm không chấp hành tín hiệu đèn giao thông.

Cụ thể, khi CSGT yêu cầu dừng xe báo lỗi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, người vi phạm một mực khẳng định không đi sai, lúc vượt lên đèn còn màu vàng hoặc xanh. Theo quy định của luật, CSGT sẽ giải thích hành vi vượt đèn vàng cũng là không chấp hành tín hiệu đèn giao thông. Tới đây, có những trường hợp người vi phạm vẫn không chấp nhận lỗi, đổi lại nói vừa vượt qua khi đèn xanh.

“Có thời gian CSGT vẫn lập biên bản vì được giao thẩm quyền xử lý qua phát hiện trực tiếp, nhưng có nhiều đơn khiếu nại, không chấp nhận lỗi. Nên ngay khi được phát camera, thường CSGT bắt lỗi không chấp hành tín hiệu đèn đều sử dụng camera cầm tay ghi hình hoặc camera gắn trên mũ, ngực áo để xử lý thuyết phục, không cự cãi”, lãnh đạo đội CSGT nói.

CSGT TP.HCM tăng cường khai thác, sử dụng có hiệu quả các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đã được trang bị

vũ phượng

Lỗi thứ hai thường tranh cãi khi xử phạt qua phát hiện trực tiếp, không có camera ghi hình nữa là đi sai làn đường, không đội mũ bảo hiểm. Lãnh đạo đội CSGT kể: “Có người bị thổi phạt vì không đội mũ bảo hiểm mà dừng xe rồi vẫn một hai cãi mũ treo ở xe, nãy giờ có đội, vừa dừng làm việc với CSGT mới cởi mũ ra. Trong khi trước đó không hề đội mũ. Vì vậy xử lý vi phạm có camera sẽ đỡ tốn thời gian với những trường hợp như thế này”.

Cũng theo vị này, trong quá trình lập biên bản lỗi đỗ xe dưới lòng đường, nhiều người vi phạm cho rằng có nhiều xe cùng đỗ nên nếu phạt thì CSGT phải phạt hết cùng lúc mới thuyết phục. Dù khi đó, lực lượng tuần tra chỉ có 2 – 3 người, còn số xe đang đỗ hơn 10 chiếc. Khi đó CSGT phải nói: “Phát hiện trường hợp nào, xử lý trường hợp đó. Làm xong trường hợp này mới làm tiếp được trường hợp khác”.

Không chỉ dừng lại ở tranh luận

Lãnh đạo một đội CSGT khác ở TP.HCM cũng cho rằng, trong quá trình tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm CSGT thường gặp các trường hợp tranh luận với CSGT khi bị thổi phạt.

Theo vị này, một số người vi phạm không giữ được bình tĩnh đã có những lời lẽ chửi bới CSGT. Những lúc như vậy, đòi hỏi CSGT phải mềm mỏng, giữ bình tĩnh. “CSGT cứ làm đúng quy trình trước đã, còn lại có sự vụ gì ghi hình lại được làm bằng chứng. Do vậy, CSGT có sử dụng camera trong tuần tra xử lý là chứng cứ rõ ràng, đỡ đôi co hai bên”, lãnh đạo đội CSGT chia sẻ.

Có những trường hợp được xem hình ảnh vi phạm tốc độ qua ipad nhưng không đồng ý, yêu cầu xem luôn ảnh từ súng bắn tốc độ

vũ phượng

Đội trưởng một đội CSGT từng làm nhiều tuyến đường ở cả vùng ven và trung tâm TP.HCM cũng khẳng định, có camera khi xử lý sẽ bớt tranh luận giữa CSGT và người dân.

Vị này chia sẻ: “Thường trong chuyên đề bắn tốc độ, nơi dùng súng bắn cách tổ công tác dừng xe vài trăm mét, khi bị báo quá tốc độ, người vi phạm được cho coi hình ảnh qua ipad kết nối với máy bắn tốc độ. Trên hình ảnh có thể hiện rõ ngày, giờ, tốc độ, tọa độ vi phạm. Vậy nhưng nhiều người không chịu, đòi coi ảnh ở trong súng bắn gây phiền hà. Xong lại bắt bẻ tiếp với CSGT tem kiểm định ở đâu, ai cấp, hạn sử dụng máy, nói chung có người sẽ trình bày tất cả các lý lẽ để làm sao được CSGT bỏ qua vi phạm”.

CSGT đeo camera trước ngực áo khi làm nhiệm vụ xử lý vi phạm không chấp hành tín hiệu đèn giao thông

vũ phượng

Cũng theo lãnh đạo đội CSGT ở nội thành, khi xử lý vi phạm nồng độ cồn CSGT đều ghi hình lại. Có những trường hợp xỉn bét nhè, cự cãi, quậy tưng bừng tại chốt được ghi hình, hôm sau phát lên ti vi cho người vi phạm xem khi đến trụ sở giải quyết. “Mà khó có ai coi hết lắm, được một đoạn là họ ngại nhờ tắt giúp, chấp nhận lỗi sai vì say xỉn”, vị CSGT thông tin.

Theo một số đội trưởng CSGT tại TP.HCM, không chỉ với người vi phạm nồng độ cồn, thậm chí những người bị phạt các lỗi khác cũng có các trường hợp không giữ được bình tĩnh, chửi bới, thậm chí đòi đụng tay đụng chân với lực lượng chức năng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.