Kỷ lục gia thế giới người Ba Lan Klobukowska bị ghi nhận là VĐV đầu tiên bị loại khỏi đấu trường nữ sau khi kiểm tra giới tính. Nhưng oái oăm thay, 1 năm sau bà lại sinh con sau khi bị Liên đoàn Điền kinh thế giới kết luận là... nam.
Klobukowska thời đỉnh cao - Ảnh: AFP
|
Từ trước, Đức Quốc xã đã nghĩ ra trò "biểu dương lực lượng" bằng cách dùng VĐV nam thay thế VĐV nữ tranh tài ở Olympic. Đến thời chiến tranh lạnh, khi mà khoa học phát triển mạnh mẽ đến mức giới tính con người có thể thay đổi vì các liều doping liên tục trong thời gian dài, các phe Đông - Tây càng liên tục nghi ngờ chiêu trò của nhau trên trận địa thể thao đỉnh cao. Vấn đề ở chỗ: xuyên suốt lịch sử, giới chuyên môn thuộc phe "chống gian lận" trong thể thao khi nào cũng đi sau một bước, lạc hậu và bị động hơn so với phe "tích cực gian lận".
Mãi đến thập niên 1960, khi chiếc HCV Olympic đã trở nên quá quan trọng cả trong chính trị chứ không chỉ trong thể thao thuần túy, IAAF (Liên đoàn Điền kinh thế giới) vẫn chỉ biết kiểm tra giới tính VĐV bằng cách thô thiển: xin mời... trút bỏ trang phục. Thời ấy, nữ VĐV thi đấu ở những giải thể thao lớn đều thuộc nằm lòng tiết mục "diễu hành khỏa thân" (trước giám khảo nữ, dĩ nhiên). Riết rồi, các tổ chức thể thao lớn đành nhờ giới khoa học trợ giúp để chống đỡ áp lực ngày càng tăng từ những sự chỉ trích, nghi ngờ. IAAF tuyên bố vào năm 1966: sẽ kiểm tra giới tính VĐV bằng phương pháp khoa học thay cho "cái nhìn cổ điển". Ngay lập tức, chị em Tamara và Irina Press (Liên Xô) tuyên bố giải nghệ. Họ đã cùng nhau đoạt 5 HCV Olympic, 26 lần phá KLTG trong thập niên 1960. Và họ đều... trông như đàn ông.
Ngay khi IAAF áp dụng phương pháp phân tích nhiễm sắc thể để kiểm tra giới tính, Ewa Klobukowska (Ba Lan) đã đi vào lịch sử với tư cách nữ VĐV đầu tiên bị loại sau màn kiểm tra. Chuyện xảy ra tại Cúp điền kinh châu Âu 1967. Trước đó, Klobukowska đã đoạt 2 huy chương tại Olympic Tokyo 1964 và đương nhiên được xem là gương mặt sáng giá trước kỳ Olympic Mexico 1968. Chị còn phá KLTG ở cự ly chạy 100 m nữ vào năm 1965. Thành tích của Klobukowska ở các giải điền kinh châu Âu thì khó mà liệt kê cho xuể. Tất cả đều bị IAAF gạch bỏ vào năm 1967.
Cơ bắp và sức mạnh của Klobukowska vượt trội so với không ít VĐV nam. Vậy nên, khi chị bị loại khỏi Cúp châu Âu 1967, rất nhiều người tin rằng đấy là công lý và hoan nghênh bước tiến quan trọng của IAAF. Chẳng riêng gì môn điền kinh, Klobukowska bị cấm tham gia vào mọi cuộc thi đấu trong thể thao chuyên nghiệp. Cũng chẳng hề gì, tượng đài thể thao Ba Lan trở lại giảng đường, nơi chị cũng say mê không kém các đường chạy điền kinh. Trước và sau đó, Klobukowska lấy được rất nhiều bằng cấp quan trọng về kinh tế.
Trớ trêu ở chỗ, những gì người ta từng "phát hiện" để rồi treo giò vĩnh viễn Klobukowska vào năm 1967 thì lại trở nên vô nghĩa trong những cuộc kiểm tra giới tính tại Olympic 1968. Nhưng nếu Klobukowska bị kiểm tra vào năm 1968 (chứ không phải 1967), vẫn chẳng bao giờ có chuyện chị không bị loại. Chẳng qua, IAAF đành phải thay đổi phương pháp kiểm tra giới tính sau khi Klobukowska... sinh con. Mà thế giới đâu phải chờ đợi quá lâu để ngã ngửa trước cô gái bị cho là gian lận giới tính. Con trai Klobukowska chào đời chỉ một năm sau khi chị bị IAAF kết luận là... nam.
Giới khoa học, với những phương pháp nghiên cứu thật ra chỉ có chính họ hiểu rõ, đã kết luận Klobukowska là nam. Rồi cũng giới khoa học giải thích vì sao Klobukowska sinh con, và cũng chính họ đành thay đổi phương pháp nghiên cứu, cho rằng cách cũ là chưa đủ để kết luận điều gì. Phần mình, các quan chức IAAF chỉ biết nghe theo, chứ có thể làm gì! Đi vào chi tiết, câu chuyện đương nhiên là rất phức tạp. Nhưng tóm lại, Klobukowska thuộc một trường hợp rối loạn nhiễm sắc thể rất hy hữu. Từ năm 1968, hễ giới khoa học gặp lại trường hợp tương tự Klobukowska thì dù không muốn kết luận đấy là nữ, họ cũng không bao giờ dám khẳng định đấy chắc chắn là nam. Nam giới làm sao có mang, sinh con!
Tiếc thay, Klobukowska vẫn bị ghi nhận là VĐV đầu tiên bị loại khỏi đấu trường nữ vì kiểm tra giới tính. Đây là trường hợp đánh dấu tác động của tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thể thao đỉnh cao, rồi lại được xem là cột mốc mở ra một bước tiến bộ tiếp theo (và sổ toẹt bước tiến ban đầu). Nhưng chưa bao giờ IAAF xin lỗi và trả lại những gì họ đã tước đi của Klobukowska!
Bình luận (0)