Sợ nồng độ cồn hơn sợ ba vợ sắp cưới
Tổng kết Tết Canh Tý bằng dòng trạng thái ấn tượng trên Facebook, Nguyễn Ngọc Hoàng Lan, cựu sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, viết:
“2 hũ mực rim, 5 gói gà xé lá chanh, 2 hũ củ kiệu dưa món vẫn còn nguyên chưa đụng đến, thế mà đã hết cái tết rồi sao. Một cái tết thật lạ lùng”.
Trao đổi với người viết, vẫn giọng điệu hài hước, Lan kể: “Năm nào sắm đồ tết mang về cho gia đình, điều mình quan tâm đầu tiên cũng là mồi để ba và anh tiếp khách. Nhưng năm nay, lạ thay hết tết rồi mà mồi vẫn còn nguyên, mới giật mình nhận ra hình như cả cái tết này cả nhà mình và khách đến thăm xuân cũng nói không với rượu bia. Cứ 10 gia đình hay 10 cái tết đều thế này thì mấy hãng rượu bia, mấy hãng mồi nhậu người ta phá sản quá (cười)”.
Không những thế, Lan còn dí dỏm cho biết: “Bạn trai của em mình hôm mùng 4 tết vào nhà chơi, ba mình tính rót bia mời, nó từ chối ngay chỉ bằng câu nói rất nhẹ nhàng “nồng độ cồn chú ơi!”. Ba mình mời mà nó cũng dám từ chối, công nhận sợ nồng độ cồn hơn sợ cả ba vợ sắp cưới”.
Cũng giống Lan, nhiều bạn trẻ khác đều ngạc nhiên khi trở về quê ăn tết, câu chuyện nồng độ cồn cũng xôn xao không kém và dường như là chủ đề chính cho các câu chuyện trên bàn chúc xuân năm nay.
“Như là vấn đề rất “nóng” vậy, những thanh niên nông thôn kể chuyện anh này chỉ vì uống 1 ly cũng bị phạt mấy triệu đồng, hay chú kia vì tất niên cuối năm lỡ một ngụm nhấp môi cũng bị giam bằng lái… Mình còn tính tết này về sẽ “làm việc” lại với ba về chuyện uống rượu bia, thế mà ba mình đã chủ động nói “giờ uống gì nữa con, phạt gắt gao quá tiền trong túi ba còn không đủ thì lấy đâu mà nộp phạt”. Lúc đầu mình thấy hơi bất bình nhưng giờ thì thấy vụ phạt nồng độ cồn như vậy mà hay thật, vì trước giờ có ai nói mà ba mình bỏ rượu được đâu”, Trần Thị Kim Ngọc, sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, chia sẻ.
Không họp lớp cũng vì chẳng biết uống gì
Hôm vừa rồi phỏng vấn Nguyễn Văn Công, cựu học sinh Trường THPT Thái Bình (H.Thăng Bình, Quảng Nam) về câu chuyện năm nay không tổ chức họp lớp, Công bày tỏ: “Họp lớp mà tụi nó bảo uống nước ngọt để an toàn cho mấy đứa về xa, chứ không bị thổi phạt nồng độ cồn đầu năm thì tiền đâu mà đóng. Bàn qua bàn lại rồi cuối cùng hủy luôn, tụi con gái gặp nhau uống nước ngọt được chứ mấy đứa con trai mà ngồi uống nước ngọt nó kỳ kỳ sao á. Chẳng thà dẫn nhau đi uống cà phê. Chứ đã vào bàn nhậu, lâu ngày gặp nhau mà không uống với nhau ly nào nó cũng mất vui”.
Cũng theo Công, cái tết này anh chàng thấy như một cực hình vì những câu chuyện bi hài: “Ngày tết mà, không uống nhiều chứ đến nhà ai chúc xuân thì cũng làm ly rượu. Mà mình thấy uống một ly hay vài ly thì cũng làm sao say được, nhưng với quy định mới này sợ phạt cái là hết tiền tiêu tết, thế là đi chơi đâu cũng có bạn gái đi theo để có gì còn làm tài chở mình về, chứ ở quê làm gì có xe ôm công nghệ. Tự nhiên giờ thấy uống gì cũng mất vui vì cứ lo lo sợ sợ”.
Anh Phan Văn Vũ (trọ tại 600/3 Kinh Dương Vương, Q.Bình Tân, TP.HCM) thì vừa cười vừa nhớ lại một cái tết với những tình huống dở khóc dở cười: “Tết này mình về quê vợ, mỗi lần chở vợ đi thăm họ hàng, đến nhà ai mọi người hỏi uống rượu hay uống bia, vợ mình liền hỏi lại có loại bia hay rượu nào mà không có nồng độ cồn không, thế là coi như một lời từ chối khéo. Vợ mình tính tiết kiệm nữa, nếu thấy mình bị phạt vì nồng độ cồn hết nhiều tiền chắc về mất ăn mất ngủ cả tháng trời quá”.
Cũng theo anh Vũ, một cái tết sợ nồng độ cồn khiến người dân ăn tết văn minh hơn: “Mặc dù về quê mình thấy người dân vẫn còn uống nhiều, nhưng những bạn trẻ đã dần thay đổi được thói quen và khi về quê cũng gây ảnh hưởng đến những người thân của mình, như thế cũng là một tín hiệu rất tốt”.
Nói rồi anh Vũ cho hay: “Hôm cuối năm, đang dọn nhà cùng gia đình vợ, nghe trên truyền hình đưa tin về một vùng dân tộc thiểu số nào đó cứ đến tết là giao hết chìa khóa xe cho trưởng bản giữ, đến mùng 5 mới trả lại để hạn chế tình trạng uống rượu bia rồi lái xe. Mình nghĩ nếu một ngày nào đó mà cả nước đều áp dụng như ở bản làng trên chắc sẽ có nhiều chuyện bi hài xảy ra lắm đây. Bởi để thay đổi được thói quen uống rượu mà không lái xe của người dân thì chắc còn tốn rất nhiều thời gian nữa”.
Bình luận (0)