Các chuyên gia sức khỏe cho biết thường xuyên rửa và tẩy tế bào chết cho chân là rất quan trọng. Tuy nhiên, rửa chân bằng xà phòng có thể gây hại vì xà phòng có chứa hóa chất, có thể gây nhiễm trùng thêm. Do đó, nên ngâm chân bằng giấm để giúp loại mùi hôi chân và ngăn nhiễm nấm và vi khuẩn, theo trang tin Times Now (Ấn Độ).
Giấm là bí quyết cho đôi chân mềm mại, khỏe mạnh
Giấm giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, mùi hôi, mụn cóc và làm mềm da, vì vậy pha giấm vào nước ngâm chân sẽ có ích cho bàn chân.
Cho 1 phần giấm và 2 phần nước vào chậu và ngâm chân trong 15 - 20 phút. Lặp lại quá trình này hằng ngày hoặc cho đến khi các vấn đề về chân biến mất. Có thể làm sạch chân bằng xà phòng nhẹ trước và sau khi ngâm.
Tại sao giấm lại có ích cho chân?
Da bàn chân dễ bị các vấn đề do mất nước và tiếp xúc với môi trường dễ có vi khuẩn hoặc nấm phát triển. Giấm có những đặc tính có thể giúp giải quyết những vấn đề này.
Hôi chân
Mùi hôi ở chân có thể do mồ hôi tích tụ. Một số người bị ra mồ hôi chân ngay cả khi không tập thể dục hoặc không gắng sức.
Đặc tính kháng khuẩn của giấm có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn hoặc nấm gây ra mùi hôi chân.
Bệnh nấm da chân
Bệnh nấm da chân, hay bệnh "chân mang giày" là bệnh ngoài da do nấm khi thường xuyên mang giày tạo môi trường ấm, tối và ẩm ướt cho nấm phát triển. Bệnh thường xảy ra giữa các ngón chân và làm cho da trở nên khô, nhạy cảm và dễ bị tổn thương.
Đi chân trần ở những nơi công cộng, như trong phòng tập thể dục hoặc hồ bơi, có thể dẫn đến nấm bàn chân.
Vì giấm có đặc tính chống nấm, ngâm chân hằng ngày trong giấm có thể giúp chống lại nhiễm nấm.
Mụn cóc
Nguyên nhân gây mụn cóc là do nhiễm trùng từ virus u nhú (HPV). Giấm có đặc tính kháng khuẩn nên có thể chống lại virus. Ngâm chân trong giấm có thể giúp điều trị hoặc ngăn chặn sự phát triển của mụn cóc trên chân.
Giấm đa phần là an toàn nếu sử dụng với lượng vừa phải. Tuy nhiên, vẫn nên sử dụng giấm một cách thận trọng. Giấm có thể kích ứng da đã bị viêm và không thích hợp để điều trị vết thương.
Bình luận (0)