Phụ nữ Afghanistan trên đường phố ở thủ đô Kabul |
reuters |
Năm 7 tuổi, Fatema phải kết hôn với một người đàn ông đủ tuổi làm ông cố của cô. Sau đó là chuỗi ngày dài cô gái Afghanistan này phải trải qua những trận hãm hiếp, đánh đập và bỏ đói cho đến khi không thể chịu đựng được nữa và cố gắng tự sát.
Qua dòng nước mắt, Fatema kể lại với AFP về những lần bị chồng đánh đập. Năm 10 tuổi, cô bị ném vào tường, "đầu tôi va vào một cái đinh và tôi gần như sắp chết".
Hiện cô gái 22 tuổi này đang sống tại một trong số ít những trung tâm cứu trợ ở Afghanistan dành cho phụ nữ bị bạo hành vẫn còn mở cửa kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền vào tháng 8.2021. Tuy nhiên, Fatema lo cô sẽ mất chỗ ở bất cứ lúc nào.
Nếu trung tâm đóng cửa, Fatema sẽ không còn nơi nào để đi. Cô đã mất liên lạc với nhà mẹ đẻ và gia đình chồng thề sẽ giết cô vì làm ô danh họ.
Phụ nữ Afghanistan truyền thống chỉ mặc áo trùm burqa đen? |
Hàng triệu người ở Afghanistan cũng đang trải qua hoàn cảnh như cô Fatema, nơi truyền thống gia trưởng, nghèo đói và thiếu giáo dục đã kìm hãm quyền của phụ nữ trong nhiều thập kỷ.
Theo Liên Hiệp Quốc, 87% phụ nữ Afghanistan từng chịu đựng một số hình thức bạo lực về thể chất, tình dục hoặc tâm lý.
Mặc dù vậy, đất nước 38 triệu dân này chỉ có 24 trung tâm cứu trợ dành riêng cho phụ nữ trước khi Taliban quay lại nắm quyền. Hầu hết trung tâm này đều do cộng đồng quốc tế tài trợ và khiến nhiều người dân địa phương khó chịu.
Bắt đầu từ số 0
Từ rất lâu trước khi Taliban tiếp quản thủ đô Kabul của Afghanistan, một số tổ chức phi chính phủ điều hành các trung tâm cứu trợ đã bắt đầu sơ tán phụ nữ tại đó.
AFP dẫn lời giám đốc giấu tên của một tổ chức cho biết bà bắt đầu chuyển phụ nữ ra khỏi trung tâm cứu trợ tại các tỉnh có tình hình không ổn định trước khi Mỹ rút quân.
Một số người được đưa về nhà mẹ đẻ với hy vọng họ sẽ được bảo vệ trước gia đình chồng. Những người khác được đưa đến trung tâm cứu trợ tại các thành phố lớn hơn.
Khi Taliban ngày càng chiếm ưu thế, khoảng 100 phụ nữ đã được chuyển đến Kabul. Tuy nhiên, thủ đô của Afghanistan cuối cùng cũng thất thủ.
"Chúng tôi phải bắt đầu lại từ số 0", giám đốc trên nói thêm và cho biết tổ chức của bà đang xác định cách thức hoạt động dưới chế độ mới.
Phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo hành học vẽ tại một trung tâm cứu trợ ở Kabul |
afp |
Taliban khẳng định phụ nữ có quyền và được bảo vệ theo cách lực lượng này giải thích kinh Koran. Song, thực tế lại hoàn toàn khác. Phụ nữ Afghanistan đang dần bị loại khỏi cuộc sống xã hội.
Hầu hết trường trung học dành cho nữ sinh đều đóng cửa. Phụ nữ bị cấm làm việc trong chính phủ ngoài các lĩnh vực chuyên môn đặc biệt. Trong tuần này, quy định mới cấm phụ nữ thực hiện các chuyến đi dài trừ khi có người thân là nam đi cùng.
Tuy vậy, một số tia sáng le lói đã xuất hiện.
Đầu tháng này, lãnh đạo tối cao Hibatullah Akhundzada chỉ trích hành vi cưỡng hôn. Ông Suhail Shaheen - đại sứ của Taliban tại Liên Hiệp Quốc - nói với Tổ chức Ân xá Quốc tế rằng phụ nữ có thể ra tòa nếu họ là nạn nhân của bạo lực.
Taliban chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về tương lai của các trung tâm cứu trợ. Tuy vậy, những nơi này vẫn được Taliban chú ý đến.
Theo các nhân viên, chiến binh Taliban và quan chức đã đến thăm một số nơi Fatema và khoảng 20 phụ nữ khác đang ở.
"Họ vào xem các phòng và kiểm tra để xem có đàn ông hay không", một nhân viên cho biết.
"Họ nói rằng đây không phải là nơi an toàn cho phụ nữ. Họ nói chỗ của phụ nữ là ở nhà", một người khác nói.
Xem cửa hàng tiếc rẻ cắt đầu ma-nơ-canh nữ sau lệnh của Taliban |
Tuy nhiên, việc này đã mang lại hy vọng cho phụ nữ. "Tình hình tốt hơn nhiều so với chúng tôi mong đợi", AFP dẫn lời một nhân viên trung tâm cứu trợ cho biết.
Bị xem là đang nói dối
Ngay cả trước khi Taliban tiếp quản Afghanistan, nhiều phụ nữ bị bạo hành không tìm được sự giúp đỡ.
Zakia từng đến Bộ Phụ nữ - đã bị Taliban đóng cửa - để xin lời khuyên về cách thoát khỏi người cha chồng đang đe dọa giết cô. “Họ thậm chí còn không nghe tôi nói”, Zakia cho biết họ nói với cô rằng tình hình của cô không đến nỗi tệ.
Mina (17 tuổi) cũng được tiếp đón với thái độ tương tự. 7 năm trước, cô đã cùng em gái chạy trốn khỏi người chú bạo lực của mình. "Bộ Phụ nữ cáo buộc tôi nói dối", Mina cho biết.
Một nạn nhân bạo hành ở Afghanistan xem truyền hình trong trung tâm cứu trợ ở Kabul |
afp |
Không chỉ phụ nữ tìm kiếm nơi nương tựa mới dễ bị tổn thương, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết nhân viên viên ở các trung tâm cứu trợ cũng "đối mặt nguy cơ bạo lực và bị giết".
Một số nhân viên cho biết họ đã bị những người tự xưng là Taliban đe dọa qua điện thoại. Họ tìm kiếm tung tích của những phụ nữ đã bỏ trốn khỏi nhà mình.
Các vụ bạo hành có khả năng gia tăng cùng với sự sụp đổ của nền kinh tế, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, khủng hoảng dòng tiền và nạn đói ngày càng trầm trọng tại Afghanistan.
"Khi tình hình kinh tế xấu đi, đàn ông không có việc làm. Các vụ bạo lực sẽ gia tăng", nhân viên một trung tâm cứu trợ cho biết.
Bà Alison Davidian, đại diện lâm thời của tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan cho biết tình hình có lẽ đã trở nên tồi tệ hơn và số trung tâm cứu trợ nói chung đã giảm.
Một trong số ít nơi trung tâm cứu trợ vẫn còn mở cửa được điều hành bởi bà Mahbouba Seraj, người tiên phong trong cuộc đấu tranh vì quyền của phụ nữ trong nước.
Bà cho biết sau khi trung tâm bị Taliban kiểm tra, nơi này "không bị quấy rối". Tuy nhiên, lo ngại của bà là những phụ nữ bị bạo hành không còn nơi nào để đi.
Bình luận (0)