Vụ máy bay của hãng Jeju Air đâm vào tường rào tại sân bay Quốc tế Muan ở Hàn Quốc khiến ít nhất 127 người thiệt mạng, trở thành vụ tai nạn hàng không thảm khốc mới nhất trên thế giới. Theo thông tin từ giới chức cơ quan cứu hỏa Hàn Quốc, trong số 181 người trên chuyến bay gặp nạn sáng nay, có thể chỉ có 2 người may mắn sống sót.
Sau đây là một số vụ tai nạn hàng không gây chấn động trên thế giới trong những năm gần đây.
Máy bay hạ cánh bằng bụng rồi bùng nổ tại Hàn Quốc, có thể chỉ còn 2 người sống sót
Chuyến bay 610 của Lion Air
Một trong những vụ tai nạn được đề cập nhiều nhất trong những năm qua là chuyến bay số hiệu 610 của Hãng Lion Air (Indonesia), khi máy bay lao xuống biển Java vào ngày 29. 10.2018 sau khi cất cánh từ Jakarta.
Chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 đang trên đường đến Pangkal Pinang (Indonesia), chở theo 189 người. Tất cả hành khách và thành viên phi hành đoàn đã tử vong.
Cuộc điều tra về vụ tai nạn cho thấy sự cố trong hệ thống tăng cường đặc tính điều khiển (MCAS) của máy bay đã dẫn đến việc máy bay hạ độ cao đột ngột. MCAS được kích hoạt bởi các chỉ số cảm biến bị lỗi, đẩy mũi máy bay xuống liên tục, bất chấp các nỗ lực chống lại của phi công.
Vụ tai nạn đã thúc đẩy lệnh cấm bay toàn cầu chưa từng có đối với 737 MAX, với hơn 370 máy bay cùng loại bị cấm bay trên toàn thế giới.
Chuyến bay 302 của Ethiopian Airlines
Chỉ 5 tháng sau vụ tai nạn của Lion Air, một chiếc Boeing 737 MAX khác bị rơi liên quan chuyến bay 302 của Ethiopian Airlines (Ethiopia) hôm 10.3.2019. Máy bay rơi ngay sau khi cất cánh từ thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, khiến toàn bộ 157 người trên máy bay thiệt mạng.
Những điểm tương đồng với thảm họa Lion Air đã xuất hiện ngay lập tức, với các nhà điều tra một lần nữa chỉ ra hệ thống MCAS là nguyên nhân.
Boeing sau đó đã phải trả hàng tỉ USD để giải quyết và dòng máy bay 737 MAX bị cấm bay trên toàn thế giới cho đến khi hệ thống được sửa đổi.
Chuyến bay 182 của Sriwijaya Air
Vào ngày 9.1.2021, chuyến bay số hiệu 182 của Hãng hàng không Sriwijaya Air (Indonesia) lao xuống biển không lâu sau khi xuất phát từ sân bay Soekarno-Hatta ở Jakarta. Chiếc Boeing 737-500 này lao xuống biển khiến toàn bộ 62 người thiệt mạng.
Cuộc điều tra cho thấy vụ tai nạn là do sự kết hợp giữa lỗi cơ học và lỗi của con người. Một trục trặc trong hệ thống ga tự động của máy bay đã khiến động cơ máy bay mất cân bằng, dẫn đến lật không kiểm soát được và lao xuống. Cơ quan chức năng còn cho rằng phi công không phản ứng đầy đủ với tình huống.
Chuyến bay 8083 của Pakistan International Airlines
Vào ngày 22.5.2020, chiếc Airbus A320 của Pakistan International Airlines (Pakistan) lao xuống một khu dân cư ở thủ đô Karachi của Pakistan trong nỗ lực hạ cánh lần 2 tại Sân bay Quốc tế Jinnah.
Chuyến bay khởi hành từ Lahore chở 99 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn. Vụ tai nạn khiến 41 người tử vong, hàng chục người khác bị thương trên mặt đất.
Các cuộc điều tra sơ bộ cho thấy vụ tai nạn là do lỗi của phi công trong quá trình tiếp cận hạ cánh. Máy bay đã cố gắng hạ cánh, nhưng do vấn đề với bánh đáp, máy bay đã cọ vào đường băng, làm hỏng động cơ. Mặc dù vậy, các phi công vẫn tiếp tục tiếp cận, cuối cùng mất kiểm soát và đâm vào khu dân cư.
Chuyến bay 1344 của Air India Express
Vào ngày 7.8.2020, chuyến bay 1344 của Air India Express (Ấn Độ) bị rơi khi tìm cách hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Kozhikode ở bang Kerala, khiến 21 người thiệt mạng.
Chuyến bay khởi hành từ Dubai (UAE) có tổng cộng 165 người trên máy bay. Máy bay trượt khỏi đường băng ướt và rơi xuống một thung lũng.
Các nhà điều tra phát hiện rằng vụ tai nạn là hậu quả của sự kết hợp giữa điều kiện thời tiết, lỗi của con người và cơ sở hạ tầng đường băng kém.
Chuyến bay MU5735 của China Eastern Airlines
Vào ngày 21.3.2022, chuyến bay MU5735 của China Eastern Airlines - một chiếc Boeing 737-800 - bị rơi tại vùng núi phía nam Trung Quốc khiến tất cả 132 người thiệt mạng.
Vụ tai nạn xảy ra khi máy bay đang hạ độ cao an toàn và vẫn đang được điều tra mở rộng. Dữ liệu hộp đen cho thấy máy bay hạ độ cao rất nhanh và có chủ đích. Những suy đoán ban đầu tập trung vào vấn đề vụ tai nạn là do lỗi cơ học hay do sự can thiệp của con người.
Chuyến bay của Saurya Airlines
Máy bay của Hãng hàng không Saurya Airlines (Nepal) bị rơi hôm 24.7 khi chở theo 15 hành khách và 4 thành viên phi hành đoàn. Máy bay rơi trong quá trình cất cánh từ Sân bay quốc tế Tribhuvan ở Kathmandu (Nepal).
Chiếc máy bay trên thuộc mẫu Bombardier CRJ-200 với 50 chỗ ngồi, đang trên đường đến Pokhara thì bị chệch khỏi đường băng và bốc cháy. Tất cả mọi người trên máy bay đều tử nạn ngoại trừ phi công Manish Ratna Shakya, người đã được cứu và trở thành người sống sót duy nhất sau vụ tai nạn.
Tổng thống Putin xin lỗi Azerbaijan về vụ tai nạn máy bay 'thảm khốc'
Máy bay của Azerbaijan Airlines rơi ở Kazakhstan
Một chiếc máy bay của hãng hàng không Azerbaijan Airlines (Azerbaijan) đã bị rơi tại Kazakhstan khiến 38 người trên máy bay thiệt mạng vào ngày 25.12.
Chuyến bay chở 62 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn, đang trên đường từ Baku (Azerbaijan) đến Grozny (Nga) thì bị rơi gần biển Caspi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 28.12 gọi điện cho người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev nói rằng lực lượng phòng không Nga đang được kích hoạt khi máy bay của Hãng Azerbaijan Airlines tìm cách đáp xuống Grozny (thủ phủ CH Chechnya) trước khi đổi hướng và rơi xuống Kazakhstan.
Bình luận (0)