Bi kịch từ một cơn say: Đâm anh rể và những câu hỏi từ con gái nạn nhân

Ngọc Lê
Ngọc Lê
18/11/2018 09:32 GMT+7

Trong khi dự luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi trên nghị trường tuần qua, đâu đó ngoài xã hội, hậu quả của những cuộc nhậu quá chén vẫn đang gieo rắc lên nhiều thân phận...

Sáng 15.11, tại TAND TP.HCM diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Lê Văn Phương (40 tuổi, ngụ xã Phú Xuân, H.Nhà Bè, TP.HCM) về tội “cố ý gây thương tích”. Theo cáo buộc, do bực tức khi bị anh rể đuổi đi sau khi nhậu, Phương đã cầm dao đâm, nạn nhân tử vong 2 ngày sau đó.
Phòng xử án sáng hôm đó khá đông, người ngồi chật kín nhưng không ai là thân nhân của bị cáo. Nhóm khoảng 10 người là người nhà bị hại ngồi hướng về phía bị cáo với ánh mắt bức xúc, chăm chú nghe từng chi tiết để phản biện lại các lời khai của bị cáo mà họ cho rằng “không đúng sự thật”.
“Ba tôi chết vì đâu” ?
Sai lầm đầu tiên xuất phát từ bị cáo. 40 tuổi nhưng không có công ăn việc làm, không tìm cách vươn lên, lại ăn ở nhờ nhà anh chị mình. Người ta khuyên can nên làm ăn nhưng vẫn không chịu, đuổi thì không đi. Bị cáo đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, để lại nỗi đau cho quá nhiều người
Đại diện VKSND tại tòa
Đứng ở bục bị cáo là người đàn ông dáng người mảnh khảnh, gương mặt tỏ ra khá bình thản như chưa có chuyện gì xảy ra, mặc dù miệng liên tục nói với HĐXX “bị cáo ăn năn, day dứt lắm”.
Theo cáo buộc, khoảng 7 giờ 30 ngày 13.3.2017, ông N.V.T (51 tuổi, ngụ xã Phú Xuân, H.Nhà Bè, TP.HCM) cùng Phương và một số người hàng xóm nhậu tại nhà ông T. Tàn cuộc nhậu, đến khoảng 13 giờ cùng ngày, thấy Phương nằm ngủ trên võng thì ông T. gọi dậy và đuổi đi, dẫn đến việc hai người to tiếng với nhau.
Ông T. tát vào mặt Phương và nói “tao không chứa mày nữa”, rồi lấy đồ đạc trong tủ của Phương vứt xuống đất, đuổi ra khỏi nhà.
Sau đó, ông T. lấy con dao vứt trước mặt Phương và thách thức: “Có giỏi thì mày đâm tao đi”. Bực tức, Phương cầm con dao đâm vào ngực trái ông T. rồi bỏ đi. Người nhà đưa ông T. đến bệnh viện nhưng tới 15.3.2017 thì nạn nhân tử vong.
Cho đến nay, gia đình bị hại vẫn chưa thấy thỏa đáng về nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông T., vì vậy sự đau đớn, dằn vặt trong họ ngày càng lớn. Văn bản ngày 12.4.2017 của Trung tâm pháp y Sở Y tế TP.HCM nêu ông T. chết do lao phổi tạo hang chảy máu, viêm phổi do nấm. Văn bản ngày 3.5.2017 kết luận tỷ lệ tổn thương do thương tích gây nên là 21%. Văn bản giải thích pháp y ngày 14.5.2018 xác định nạn nhân chết do bệnh lý, không phải là biến chứng của vết thương thấu ngực; tình trạng thương tích do bị đâm thấu ngực trái đã được điều trị kịp thời và ổn định.
Trước đó, cơ quan liên ngành của H.Nhà Bè đã họp và nhận định vụ án này có dấu hiệu “giết người” nên chuyển toàn bộ hồ sơ lên Công an TP.HCM điều tra lại để đưa ra TAND TP.HCM xét xử...
Ngày ra tòa, con gái riêng của nạn nhân là chị N.T.K.L (34 tuổi, ngụ H.Nhà Bè) liên tục hỏi HĐXX: “Tôi muốn có câu trả lời về nguyên nhân gây ra cái chết của ba tôi”.
Vị công tố viên đáp: “Hồ sơ đã rõ, nạn nhân chết do bệnh lý”. Mắt ngấn nước, chị L. nghẹn ngào nói: “Tôi không tin ba tôi chết do bệnh lý. Nếu bị cáo không đâm ba tôi thì sao ba tôi chết được. Bệnh lao của ba tôi đã chữa trị hết trước đó rồi”.
Chuỗi sai lầm chết người
Trình bày trước tòa, bị cáo khai chị ruột cưới ông T. và có với ông hai mặt con. Do bị cáo không có việc làm, không biết ở đâu, ăn gì hằng ngày nên mới “ăn nhờ ở đậu” nhà ông T. gần 3 năm trời. Nhiều lần bị cáo bị ông T. đuổi ra khỏi nhà vì cho rằng không chịu làm ăn, thường xuyên trộm cắp gây tai tiếng...
Công tố viên hỏi: Bị cáo đã nói gì khiến nạn nhân bức xúc vứt dao ra và thách thức đâm, thì bị cáo khai “không nói hay cãi vã gì trước đó cả” và “lúc đó do hoảng loạn nên mới cầm dao đâm vào ngực anh rể chứ không cố tình”. Tuy nhiên, câu trả lời không thuyết phục được đại diện Viện Kiểm sát.
Vị này phân tích: “Bị cáo phải nói gì đó khiến ông T. bức xúc, phản ứng gay gắt, ném dao cho bị cáo như vậy. Nay bị cáo nói không nói gì thì vô lý, bị cáo không thành khẩn”.
Phân tích thêm về căn nguyên dẫn đến án mạng, vị công tố viên nhấn giọng: “Sai lầm đầu tiên xuất phát từ bị cáo. 40 tuổi nhưng không có công ăn việc làm, không tìm cách vươn lên, lại ăn ở nhờ nhà anh chị mình. Người ta khuyên can nên làm ăn nhưng vẫn không chịu, đuổi thì không đi. Bị cáo đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, để lại nỗi đau cho quá nhiều người. Bị cáo biết không?”.
Công tố viên tiếp lời: “Đau khổ hơn, bị cáo đẩy chị ruột mình vào cảnh mất chồng, hai cháu ruột bị cáo mất cha. Nghịch cảnh hơn nữa là bên bị hại rơi vào bi kịch, không ra tòa được bởi bị cáo chính là em ruột. Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau này không? Bị cáo để lại nỗi đau quá lớn cho chính người thân của mình”.
Trước những lời phân tích thấu tình của đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo cúi đầu: “Lúc ấy bị cáo say quá, giận dữ làm cho bị cáo mơ hồ, không ý thức được việc làm của mình. Chỉ vì nông nổi mà bị cáo đã làm tan cửa nát nhà. Suốt những ngày trong trại giam, không khi nào bị cáo cảm thấy thanh thản. Bị cáo vô cùng hối hận”.
Giá mà bị cáo thành khẩn…
Phía dưới hàng ghế dự khán, những lời khai của bị cáo khiến người thân ông T. khá bức xúc. Chị N.T.K.L không cầm được nước mắt, cố nén tiếng nấc, kể khi chị vừa tròn một tuổi thì ba mẹ ly dị. Từ đó, L. về sống với bà ngoại, còn cha cưới người khác là chị ruột của bị cáo. Do không thể đối diện với sự thật rằng em trai mình đã giết chồng, giết cha của hai đứa con mình, vợ ông T. không dự phiên tòa mà ủy quyền cho chị L. là người đại diện hợp pháp của gia đình nạn nhân.
“Trước khi ba tôi bị đâm, hai người có cãi nhau rất lâu. Bị cáo dọa đâm chết ba tôi, ba tôi không vứt dao cho bị cáo mà bị cáo tự lấy dao đã chuẩn bị sẵn trong túi đâm ba tôi”, chị L. nói.
Trước giờ nghị án, chị L. nói với HĐXX: “Gia đình tôi chỉ cần bị cáo thành khẩn khai đúng sự thật đã diễn ra thì có lẽ hôm nay gia đình tôi đứng đây để xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, bởi dù gì bị cáo cũng là em ruột của dì, chứ không phải đề nghị tòa xử lý nghiêm như hôm nay. Bởi hơn ai hết, tôi hiểu người chết cũng chết rồi, người vào tù cũng không làm vơi nỗi đau, mất mát cho gia đình tôi. Nhưng tiếc rằng bị cáo chưa bao giờ hối lỗi khi gây ra cái chết cho ba tôi”.
HĐXX nhận định hành vi của bị cáo Phương là gây thương tích chứ không có ý định chiếm đoạt tính mạng của ông T., rằng hai người đã có mâu thuẫn trước đó…, vì vậy tuyên bị cáo mức án 6 năm tù.
Nghe mức án, người thân của ông T. tỏ vẻ không đồng tình, vì cho rằng quá nhẹ, trong khi hậu quả và nỗi đau để lại cho họ quá lớn. Nhưng, như lời chị L. nói: “Chỉ mong những ngày trong song sắt, bị cáo Phương suy nghĩ, nghiền ngẫm, day dứt, hối lỗi vì hành động của mình dù là muộn màng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.