Ngọc Anh, cô bé mới học lớp 2 thỏ thẻ nói với tôi sau bữa cơm chiều: “Dì, bố cháu chết rồi”. Tôi bàng hoàng: “Sao cháu còn ngồi đó, bà ngoại đâu rồi, mọi người bao giờ về quê?”.
Cô bé mắt ráo hoảnh. Không một giọt nước. Từ hôm đó, cô cháu gái tôi chính thức mồ côi. Mẹ mất vừa tròn 3 năm vì tai nạn giao thông. Cha thì vừa qua đời, một kết cục được đoán trước từ rất lâu khi người ta chứng kiến một người đàn ông uống rượu thay nước lọc, gần như ngày nào cũng thấy anh mơ màng trong những cơn say.
|
Đa tửu hại tâm…
tin liên quan
Người ham ‘zô 100%’ hai lần được cấp giấy chấn thương sọ não: Tôi bỏ nhậu!Ông bà nội của Ngọc Anh làm nghề nấu rượu gạo - nghề cha truyền con nối đã mấy chục năm nay. Họ coi chuyện con trai uống rượu, thử rượu, mời rượu khách tới chơi nhà là… đương nhiên.
Anh từ Thái Bình ra Quảng Ninh làm việc, lấy vợ, ở rể vì nhà vợ không có con trai. Bi kịch bắt đầu từ việc anh không muốn đi làm thuê, nên vay mượn khắp nơi vài trăm triệu để mua xe tải về chạy, nhưng kinh doanh thua lỗ, nợ chồng nợ. Vợ chồng anh sinh liên tiếp 2 đứa con khiến kinh tế càng khó khăn.
Tôi đi làm xa, mỗi lần về nhà đều nghe anh chị cãi vã, to tiếng, có lần còn đánh nhau ầm ĩ khắp xóm. Vợ bỏ việc bán hàng ở chợ đi làm công nhân, anh chìm sâu vào những cơn say bất tận. Sáng nào anh cũng phải uống tầm 1 lít rượu lót dạ, kề cà đến hết buổi trưa, sau đó ngủ li bì tới tối, đêm lại rủ rê bạn bè đi uống rượu hoặc bia tiếp. Vợ hay mẹ vợ lên tiếng, là anh chửi lại hoặc có khi cầm cả gậy lên đuổi đánh…
Người xưa có câu “Đa tửu hại tâm”, tôi chứng kiến tâm anh ngày càng suy bại.
Đau đớn tột cùng, một ngày giữa năm 2015, vợ anh trên đường đi nhận lương của công ty bị tai nạn giao thông và qua đời, bỏ lại hai đứa con thơ nheo nhóc. Ngọc Anh, bé nhỏ, sống với bà ngoại. Bé lớn học lớp 5 phải về Thái Bình theo cha, để ông bà nội chăm sóc.
Mỗi lần nghe cháu nhắn tin qua điện thoại kể về cha mình, tôi đau nhói nơi lồng ngực: “Bố cháu suốt ngày lấy rượu của bà nấu rồi uống, rồi say, cười rồi lại khóc, bà nội phải mua cho cả kem và sữa chua để dỗ cho nín. Chân bố đi liêu xiêu, lúc nhớ lúc quên, bụng bố sưng to đùng. Người ta bảo bệnh gan”.
Đám tang bố Ngọc Anh lạnh lẽo giữa miền quê xao xác huyện Hưng Hà, Thái Bình, người đầu bạc khóc kẻ đầu xanh. Hai chị em Ngọc Anh không ai khóc, tôi chỉ nghe được những tiếng nấc của bà nội đám nhỏ. Bà thương con trai đã lìa cuộc đời khi tuổi vừa bước sang 38. Rượu bia, có trả lại cho bà được người con trai bà từng yêu thương chiều chuộng suốt mấy mươi năm?
Rượu giết con tôi rồi!
Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể nào quên tiếng nói ầng ậng những giọt nước mắt của bà Thục, mẹ của một người cậu tên Long trong họ nhà tôi, qua đời lúc mới 35 tuổi vì nghiện bia rượu.
tin liên quan
Liệt sĩ trở về sau 39 năm... hi sinh ở CampuchiaCậu Long khi còn trẻ rất bảnh trai, tôi nhớ cậu hay chạy chiếc xe Simson màu xanh lá cây tới nhà tôi ăn cơm trưa, sau đó xin lá chè tươi trong vườn nhà để vợ tắm cho con trai mới sinh. Con trai 2 tuổi, việc kinh doanh của vợ chồng cậu sa sút, vợ ngoại tình, cậu Long tìm đến bia rượu giải khuây. Bẵng đi một thời gian, chừng 2 - 3 năm, tôi nghe mẹ kể, cậu Long về quê chờ chết, bụng sưng to như bụng cóc. Bà Thục ngày nào cũng khóc…
“Rượu giết con tôi rồi. Trả con cho tôi”, bà Thục khóc ngất trong đám tang cậu. Chưa báo hiếu mẹ một ngày, người con trai duy nhất của bà Thục đã nhắm mắt trong vòng tay của bà ở tuổi 35, vì cồn, từ bia, rượu. Đắng cay.
Đó là chuyện của 10 năm trước.
Ngày hôm qua, giữa Sài Gòn, tôi đưa con gái đến trường, đi ngang qua nhà hàng xóm bỗng thấy tiếng người mẹ già chát chúa mắng chửi con trai và người bạn nhậu. Mới có 7 giờ sáng nhưng họ đã mua rượu và đồ nhậu, ngồi trước hiên nhà lai rai, tán gẫu, không quan tâm gì đến người vợ đang buôn bán đầu tắt mặt tối nơi góc chợ.
Bà già ngoài 70 tuổi lọng cọng dọn từng chiếc ghế ngả nghiêng và những hạt đậu phộng nằm lăn lóc trước hiên nhà, phần còn sót lại sau cuộc say sưa ban sáng của con trai hư hỏng. Trong khi đó, phía sau lưng, người con trai ngoài 40 tuổi, chân nam đá chân chiêu, lèm bèm những từ thô tục để cãi lại mẹ già.
Rượu bia hủy hoại đạo đức, nhân tính của con người. Trong tôi vẫn ám ảnh một cái đám tang lạnh tanh không giọt nước mắt giữa vùng quê nghèo và tiếng gào khóc của một người mẹ. Trả lại con cho tôi….
Bình luận (0)